Bài viết được viết bởi BS. Vũ Việt Dũng – Bác sĩ hỗ trợ sinh sản và được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI. Tăng Đức Cương – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đông Đô.
Quá trình kích trứng làm IVF là giai đoạn đầu tiên mà các cặp đôi sẽ trải qua trên hành trình thực hiện ước mơ làm cha mẹ. Đây một trong những bước quan trọng nhất, ảnh hưởng đến chất lượng phôi và tỉ lệ thụ thai thành công. Hãy cùng Đông Đô IVF Center giải đáp các thắc mắc, băn khoăn của chị em liên quan đến quá trình này trong bài viết dưới đây.
- Tổng quan về quá trình kích trứng làm IVF
- Các loại thuốc sử dụng để kích trứng
- Các bước trong quá trình kích trứng làm IVF
- Hướng dẫn tự tiêm kích trứng tại nhà
- Quá trình kích trứng thường kích được bao nhiêu trứng?
- Kích trứng có đau không, có tác dụng phụ không?
- Các lưu ý khác khi làm kích trứng IVF
Tổng quan về quá trình kích trứng làm IVF
Quá trình kích trứng làm thụ tinh ống nghiệm sử dụng các thuốc nội tiết ở dạng uống hoặc tiêm nhằm kích thích các nang noãn ở buồng trứng phát triển và tăng số lượng noãn thu được, tăng cơ hội thụ thai. [1]
Nữ giới thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm hầu hết sẽ đều phải trải qua quá trình kích thích trứng rụng và chọc hút noãn. Noãn sau khi được chọc hút từ buồng trứng sẽ được chọn lọc để kết hợp với tinh trùng tạo thành phôi.
Quá trình kích trứng làm IVF là bước tiếp theo sau khi thăm khám sức khỏe để bắt đầu một chu trình IVF. Kết quả của quá trình này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phôi, từ đó tác động đến tỉ lệ mang thai khỏe mạnh sau khi thụ tinh ống nghiệm. Đây là giai đoạn quan trọng, do đó người mẹ cần chuẩn bị sức khỏe và tâm lý kỹ lưỡng để có kết quả kích trứng tốt nhất.
Các loại thuốc sử dụng để kích trứng
Quá trình kích trứng làm IVF sẽ sử dụng các thuốc nội tiết để kích thích buồng trứng phát triển nhiều nang noãn cùng lúc. Có 5 nhóm thuốc nội tiết chính, bao gồm [2]:
Nhóm thuốc làm tăng FSH nội sinh
- Cơ chế: Kích thích vùng dưới đồi và tuyến yên tăng tiết FSH để kích thích các nang noãn của buồng trứng phát triển.
- Thường dùng:
- Clomiphene citrate (Serophene; Clomid).
- Aromatase Inhibitor (Letrozole; Anastrozole; Exemestane).
- Dạng dùng: Đường uống.
Nhóm làm tăng FSH ngoại sinh (gonadotropins)
- Cơ chế: Bổ sung FSH ngoại sinh nhằm tác động trực tiếp lên buồng trứng để kích thích sự phát triển của các nang noãn.
- Thường dùng: Thuốc chiết xuất từ nước tiểu của phụ nữ mãn kinh (Menogon, Merional, Menopur), thuốc chứa FSH tái tổ hợp (gonal F, Follitrop, Puregon)
- Dạng dùng: Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.
Nhóm thuốc bổ sung LH
- Cơ chế: Bổ sung LH ngoại sinh, kích thích trực tiếp tế bào vỏ sản xuất androgen – tiền chất cho tế bào hạt sản xuất hormone estrogen.
- Thường dùng: Pergoveris ( chứa cả FSH và LH tái tổ hợp)
- Dạng dùng: Tiêm dưới da.
Nhóm tạo đỉnh LH
- Cơ chế: Bổ sung tiểu đơn vị hCG (human chorionic gonadotropin) có cấu trúc giống LH để tạo định LH ngoại sinh tác động tới buồng trứng.
- Thường dùng: IVF C 5000 IU (chứa hCG chiết xuất từ nước tiểu của phụ nữ mang thai) Ovitrel 0,25mg
- Đường dùng: Tiêm bắp, Tiêm dưới da
Nhóm ức chế đỉnh LH
- Cơ chế: Bổ sung GnRH từ ngày 21 chu kỳ kinh, GnRH kích thích tuyến yên sản xuất FSH, LH. Khi nồng độ hai hormon này ở tuyến yên bị cạn kiệt, sự gia tăng nồng độ estrogen ở giữa chu kỳ không thể tác động lên tuyến yên nữa, kéo dài thời gian kích thích buồng trứng. Hoặc bổ xung trực tiếp GnRH đối vận.
- Thường dùng: Gồm 2 loại GnRH đồng vận (Diphereline, Suprefact) và GnRH đối vận (Ganirelix, Cetrorelix acetate).
- Dạng dùng: Tiêm dưới da.
Thuốc nội tiết dùng để kích thích buồng trứng phát triển nhiều nang noãn cùng lúc. Hiện nay có nhiều loại thuốc kích trứng với đa dạng dàng dùng như tiêm bắp, tiêm dưới da, uống, đặt âm đạo…. Mỗi người sẽ có sự đáp ứng thuốc khác nhau phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, cân nặng, độ tuổi, chỉ số BMI… Do đó, sau quá trình thăm khám sức khỏe ban đầu, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc kích trứng phù hợp với từng trường hợp.
Các bước trong quá trình kích trứng làm IVF
Chuẩn bị
Trước khi bắt đầu sử dụng thuốc kích trứng, chị em cần chuẩn bị:
- Thăm khám, làm các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe sinh sản nhằm phát hiện và điều trị các bệnh lý liên quan;
- Nhận tư vấn từ bác sĩ về thời điểm và phác đồ điều trị phù hợp.
Bước thực hiện
Thời gian: Bắt đầu từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt.
Quy trình: [3]
- Vào ngày thứ 2 của chu kỳ, nữ giới đến siêu âm và xét nghiệm để xác định loại thuốc kích trứng phù hợp với cơ thể. Nếu kết quả thuận lợi, bác sĩ sẽ lên phác đồ sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm theo lịch trình. Quá trình sử dụng thuốc kích trứng diễn ra liên tục từ 10 – 12 ngày.
- Trong quá trình kích trứng, nữ giới được thăm khám định kỳ 2 – 3 lần. Khi này, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ đáp ứng thuốc, sự phát triển của nang noãn để từ đó điều chỉnh lượng thuốc cho phù hợp.
- Kết thúc quá trình sử dụng thuốc, nếu kết quả siêu âm cho thấy nang trứng đã đạt đến kích thước phù hợp, chị em sẽ được tiêm mũi tiêm rụng trứng. Quá trình kích trứng diễn ra từ 8 – 11 ngày cho đến thời điểm chọc hút noãn trong bước hút trứng thụ tinh nhân tạo.
Một số lưu ý khi tiêm thuốc kích trứng:
- Luôn tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về thời điểm và liều lượng thuốc sử dụng;
- Luôn giữ tâm lý thoải mái, thư giãn, tránh tự gây áp lực cho bản thân;
- Tập thể dục nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh;
- Tránh sử dụng hoặc tiếp xúc với các chất kích thích, hóa chất độc hại như thuốc lá, cà phê, khói bụi ô nhiễm.
Lưu ý sau khi kích trứng
Sau khoảng 36 giờ kể từ thời điểm tiêm mũi rụng trứng, bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút noãn. Noãn thu được sẽ chuyển sang phòng Lab để thụ tinh với tinh trùng tạo thành phôi. Các bác sĩ sau đó tiếp tục nuôi phôi trong ống nghiệm. Trong suốt giai đoạn này, người mẹ có thể về nhà nghỉ ngơi theo hướng dẫn của bác sĩ, giữ trạng thái tinh thần và sức khỏe ổn định để chuẩn bị cho các bước làm IVF tiếp theo.
Hướng dẫn tự tiêm kích trứng tại nhà
Các loại thuốc kích trứng sử dụng phổ biến hiện nay được dùng qua 3 con đường chính: đường uống, tiêm dưới da, tiêm bắp. Thuốc cần được dùng đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách để đạt hiệu quả tốt nhất.
Bác sĩ Tăng Đức Cương, Giám đốc Đông Đô IVF Center hướng dẫn bạn cách sử dụng thuốc kích trứng cho hiệu quả tốt nhất như sau:
- Với thuốc tiêm dưới da, tiêm quanh rốn, cách rốn bán kính 3 – 5cm;
- Với thuốc tiêm bắp, tiêm vào mặt trong đùi hoặc tiêm vùng mông;
- Nên chọn 1 khung giờ cố định mỗi ngày để thuận tiện cho việc uống/tiêm thuốc; nên tiêm thuốc vào buổi sáng hoặc buổi chiều;
- Các mũi tiêm thuốc kích trứng cần tiêm đúng giờ hoặc chênh lệch không quá 30 phút so với giờ tiêm cố định;
- Trường hợp, các mũi tiêm chênh lệch quá nhiều giờ, chị em cần liên hệ với bác sĩ để có phương pháp xử lý phù hợp.
Quá trình kích trứng thường kích được bao nhiêu trứng?
Số lượng trứng thu được sau quá trình kích trứng làm IVF phụ thuộc vào từng quy trình thụ tinh, chẳng hạn:
- Với quy trình làm IVF Mini, quá trình kích trứng thường thu được 1- 3 noãn.[4]
- Với quy trình IVF thông thường, quá trình kích trứng thu được 6 – 15 noãn. [5]
Số lượng noãn có thể thay đổi phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe của người mẹ, số lượng buồng trứng, vị trí chọc hút, số lượng nang noãn phát triển sau khi tiêm thuốc kích thích buồng trứng.
Kích trứng có đau không, có tác dụng phụ không?
Hiện nay, các loại thuốc nội tiết kích trứng được bào chế ở dạng tiện lợi cho phụ nữ có thể tự tiêm tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Hầu hết các trường hợp tự uống/tiêm thuốc kích trứng tại nhà đều đảm bảo an toàn, hiệu quả tốt. Các dụng cụ tiêm nhỏ gọn, ít gây đau đớn nên chị em hoàn toàn có thể yên tâm.
Một số chị em lo lắng liệu tiêm thuốc kích trứng tại nhà có đau không, có gây tác dụng phụ không. Về cơ bản, quá trình tiêm thuốc có thể gây đau nhẹ, sưng đỏ hoặc hơi vừa vùng tiêm. Tuy nhiên, các dấu hiệu này sẽ nhanh chóng biến mất vài phút đến vài giờ sau tiêm và không gây ảnh hưởng lâu dài nào.
Ngoài ra, bản chất của các loại thuốc kích thích buồng trứng là hormone nên có thể gây ra sự phát triển nhiều nang trứng cùng lúc dẫn tới hội chứng quá kích buồng trứng ở những người nhạy cảm.
Một số trường hợp cơ địa nhạy cảm hoặc dị ứng với các thành phần có trong thuốc có thể xuất hiện các triệu chứng như khó thở, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mề đay… Hãy liên hệ ngay bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán nếu có biểu hiện bất thường.
Các lưu ý khác khi làm kích trứng IVF
Để quá trình kích trứng làm IVF được thuận lợi, bên cạnh việc tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ, bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng những kiêng kị về sinh hoạt, ăn uống, thời gian nghỉ ngơi….
Kích trứng làm IVF nên ăn gì, kiêng gì?
Bạn có thể ăn uống đa dạng các loại thực phẩm trong thời gian kích trứng để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe giai đoạn kích trứng có thể kể đến như một số loại cá, dầu thực vật, các loại hạt chứa chất béo bão hòa. Bên cạnh đó, cần lưu ý uống đủ nước mỗi ngày.
Ngược lại, ở giai đoạn này, bạn nên hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều lần, không hút thuốc lá, cà phê và sử dụng các loại chất kích thích khác.
Kích trứng bao lâu thì được chuyển phôi?
Sau quá trình kích trứng, số lượng noãn thu được sẽ đem đi thụ tinh với tinh trùng tạo thành phôi và được chuyển vào môi trường phù hợp để nuôi dưỡng trước khi chuyển phôi. Thời điểm được chọn chuyển phôi thường là ngày thứ 3 (trong giai đoạn phân bào) hoặc vào ngày 5 (trong giai đoạn phôi nang) sau khi thụ tinh.
Sau kích trứng lần 1 bao lâu kích trứng được lần 2?
Thông thường, để đảm bảo cho việc phục hồi sức khỏe và tâm lý, khoảng cách tốt nhất giữa 2 lần kích trứng tối thiểu là 3 tháng. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể cân nhắc cho người phụ nữ thực hiện kích trứng lần 2 chỉ sau 3-4 tuần sau lần 1.
Nhìn chung, quá trình kích trứng làm IVF là một bước quan trọng tác động trực tiếp đến khả năng mang thai thành công sau này. Do đó, các cặp đôi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khỏe, tâm lý và những thông tin liên quan. Hãy liên hệ hotline 1900 1965 để được tư vấn bởi các chuyên gia hàng đầu của Đông Đô IVF Center – địa chỉ làm IVF với tỷ lệ thành công vượt trội lên tới 80%.