Làm IVF có hại không? Gỡ rối những lầm tưởng về thụ tinh ống nghiệm

Bài viết được viết bởi BS. Vũ Việt Dũng – Bác sĩ hỗ trợ sinh sản và được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI. Tăng Đức Cương – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đông Đô.

Thụ tinh trong ống nghiệm IVF là phương pháp phổ biến giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có thể chạm tới ước mơ có con. Tuy nhiên, đối với nhiều người vẫn còn tồn tại nhiều lo ngại, lần tưởng về IVF. Trong đó, băn khoăn “làm IVF có hại không” được nhiều người đặt ra trước khi quyết định tìm con bằng phương pháp này.

Làm IVF có hại không? – Giải đáp từ bác sĩ

Có thể khẳng định rằng, thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản an toàn, ít biến chứng, ít gây tác dụng phụ và ít ảnh hưởng đến cơ thể người phụ nữ. Tuy vậy, có một số lo ngại về các thuốc hỗ trợ sinh sản (chẳng hạn các loại thuốc kích thích buồng trứng, thuốc nội tiết…) được sử dụng trong quá trình điều trị có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở nữ giới, đặc biệt là ung thư vú, tử cung và buồng trứng. Tuy nhiên, lo lắng này là không có căn cứ. Cho tới nay, chưa có bất kỳ căn cứ thuyết phục nào cho thấy IVF gây hại đến sức khoẻ con người. [1]

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm mục đích tìm hiểu sự liên quan giữa việc sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản trong quá trình thực hiện IVF với bệnh ung thư vú. Quá trình nghiên cứu được thực hiện trên 45.000 phụ nữ và không tìm thấy mối liên quan giữa việc làm IVF với sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ mắc phải ung thư tử cung hay buồng trứng lại càng ít gặp hơn ở các đối tượng này.[1]

Làm IVF không gây ung thư
Không có bằng chứng về việc IVF làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư ở nữ giới

Những cặp vợ chồng có ý định tìm con bằng IVF giờ đây có thể yên tâm về độ an toàn của phương pháp. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng, quá trình làm IVF có xâm lấn nên có thể gây ra một số phản ứng nhưng không đáng kể. Phản ứng ở mỗi người sẽ khác nhau tùy thuộc vào phác đồ điều trị và khả năng đáp ứng của cơ địa.

Trước khi làm thụ tinh trong ống nghiệm, bạn nên tham khảo các điều cần biết chuẩn bị làm IVF để có thể phòng tránh các rủi ro không đáng có.

Các rủi ro có thể gặp khi làm IVF

Quá trình thực hiện IVF sẽ cần trải qua việc kích thích buồng trứng, chọc hút trứng, chuyển phôi. Do đó, một số rủi ro đối với cơ thể phụ nữ do việc xâm lấn là điều không thể tránh khỏi. Cụ thể:

Tác dụng phụ của thuốc kích trứng

Trong quá trình kích trứng, một số phụ nữ có thể bị phản ứng với các loại thuốc nội tiết, hormone. Một số triệu chứng có thể gặp phải gồm có: [2]

  • Nóng bừng do tăng nhiệt độ cơ thể, sốt nhẹ (dưới 38 độ C).
  • Căng tức  2 bên ngực.
  • Thay đổi cảm xúc, bồn chồn, chán nản, mệt mỏi hoặc cáu kỉnh.
  • Đau đầu, buồn nôn hoặc nôn ói.
  • Rối loạn tiêu hoá.

Những triệu chứng này thường chỉ xuất hiện vào khoảng 2 – 3 ngày cuối của quá trình kích thích buồng trứng và kết thúc sau khi chị em bắt đầu chọc hút trứng. Khi xảy ra những triệu chứng này, chị em không cần quá lo lắng, chỉ cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ thì tình trạng khó chịu sẽ nhanh chóng được cải thiện.

Có thể bạn quan tâm: Thời gian làm thụ tinh ống nghiệm mất bao lâu?

ảnh hưởng sau khi tiêm thuốc kích trứng
Nữ giới có thể gặp một số ảnh hưởng sau khi tiêm thuốc kích trứng

Hội chứng kích thích buồng trứng

Với câu hỏi làm IVF có hại không thì quá kích buồng trứng từng xảy ra ở khoảng 10% số người được kích thích buồng trứng có kiểm soát trong IVF. Hiện nay, con số này đã được kiểm soát ở mức dưới 5%. Trong đó, chỉ chưa đến 1% trường hợp có thể tiến triển thành hội chứng quá kích buồng trứng mức độ vừa và nặng. [3]

Bác sĩ Tăng Đức Cương – Giám đốc Đông Đô IVF Center giải thích, trong quá trình làm IVF, có 2 thời điểm nữ giới có thể gặp phải hội chứng quá kích buồng trứng:

  • Giai đoạn sớm (trong vòng 9 ngày sau khi chọc hút trứng): Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi tiêm hCG để kích thích nang noãn phát triển và trưởng thành.
  • Giai đoạn muộn (từ ngày 10 sau khi chọc hút trứng): Nguyên nhân xuất hiện chủ yếu liên quan đến việc cơ thể tăng tiết hCG nội sinh.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng khi làm IVF ở nữ giới, gồm [3]:

  • Tuổi tác, thường gặp ở những người trẻ tuổi.
  • Người có thể trạng gầy.
  • Phụ nữ có tiền sử hoặc đang mắc hội chứng đa nang buồng trứng.
  • Sử dụng liều cao gonadotropin ngoại sinh để kích thích buồng trứng.
  • Sử dụng nồng độ cao estradiol huyết thanh để kích thích buồng trứng.
  • Có tiền sử quá kích buồng trứng.

Với các trường hợp quá kích buồng trứng mức độ nhẹ, các triệu chứng như đau bụng nhẹ, cơ thể khó chịu, tăng cân… Dấu hiệu này có thể giảm dần và biến mất sau 7 – 10 ngày. Bạn chỉ cần theo dõi triệu chứng tại nhà kết hợp chế độ nghỉ ngơi, tập luyện phù hợp, hạn chế vận động, uống nhiều nước và kiêng giao hợp. Kiểm tra cân nặng, lượng nước tiểu và kích thước vòng bụng mỗi ngày.

Một số trường hợp, các triệu chứng có thể tiến triển nặng hơn, gây nguy hiểm đến sức khỏe của phụ nữ như nhiều dịch ổ bụng, hạ huyết áp, tim đập nhanh rối loạn chức năng gan,…. Khi này, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Tùy thuộc mức độ phản ứng của cơ thể, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Hội chứng quá kích buồng trứng có thể gặp phải khi làm IVF
Hội chứng quá kích buồng trứng có thể gặp phải khi làm IVF

Rủi ro khi chuyển phôi

Rất ít trường hợp phụ nữ gặp biến chứng hay rủi ro trong quá trình chuyển phôi. Bác sĩ Tăng Đức Cương chỉ ra một số ít rủi ro có thể gặp phải thường liên quan đến việc tăng kích thích sản xuất nội tiết tố của cơ thể, dẫn tới tăng hình thành huyết khối tĩnh mạch.

Ngoài ra, chị em có thể gặp tình trạng chảy máu âm đạo, nhiễm trùng âm đạo hoặc thay đổi màu sắc, tính chất dịch tiết âm đạo. Các triệu chứng này có thể tự biến mất hoặc tự cải thiện tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tăng khả năng mang đa thai

Tỷ lệ mang đa thai là mối quan tâm của rất nhiều chị em khi thực hiện IVF. Theo hiệp hội sinh sản, tỉ lệ đa thai khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm dao động khoảng 20 – 40%[4], cao hơn nhiều so với tỷ lệ mang đa thai ở những ca thụ tinh tự nhiên.

Việc mang đa thai có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và em bé trong thai kỳ. Do đó các chuyên gia thường khuyến khích giảm số lượng phôi ở mỗi lần chuyển phôi.

Nguy cơ đa thai có thể gặp khi làm IVF
Nguy cơ đa thai có thể gặp khi làm IVF

Rủi ro có thể gặp trong thai kỳ

Một số chị em có thể gặp các rủi ro sau khi chuyển phôi thành công như sảy thai, sinh non, tiền sản giật, thiếu máu, chảy máu bất thường… Tình trạng này thường gặp ở những những sản phụ lớn tuổi hoặc nữ giới có bệnh lý nền về sức khỏe sản khoa, huyết áp, tiểu đường…. [5]

Để phòng tránh các nguy cơ này, chị em có thể xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý trong thai kỳ, chuẩn bị sức khỏe thật tốt và thường xuyên tái khám với bác sĩ chuyên khoa.

Nguy cơ không có noãn/phôi

Số lượng noãn/phôi thu được sau quá trình kích thích buồng trứng và thụ tinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là chất lượng trứng, dự trữ buồng trứng của người vợ và chất lượng tinh trùng của người chồng.

Theo bác sĩ Tăng Đức Cương, nguy cơ không có noãn/phôi có thể xảy đến với các đối tượng:

  • Có tiền sử suy buồng trứng.
  • Đáp ứng buồng trứng kém.
  • Sử dụng thuốc kích thích buồng trứng sai liều lượng, sai thời điểm, đường dùng.
  • Chất lượng noãn kém, số lượng noãn thu được ít.
  • Tinh trùng bất thường, không có khả năng thụ tinh.
  • Do bất thường về gen di truyền của người vợ hoặc người chồng hoặc cả hai.

Để hạn chế nguy cơ không có noãn hoặc không có phôi, các cặp vợ chồng làm IVF nên tiến hành thăm khám sức khỏe từ sớm, điều trị các bệnh lý liên quan, tránh kéo dài thời gian vô sinh, đặc biệt là ở nữ giới trên 35 tuổi.

Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ gặp một số rủi ro khi làm IVF
Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ gặp một số rủi ro khi làm IVF

Một số câu hỏi khác về làm IVF

Bên cạnh lo ngại “làm IVF có hại không”, Đông Đô IVF Center sẽ giải đáp một số thắc mắc của các mẹ liên quan đến quá trình thụ tinh trong ống nghiệm:

Làm IVF có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Không có nghiên cứu hay bằng chứng nào chứng minh thụ tinh ống nghiệm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hay sự phát triển của thai nhi. Thai kỳ sau IVF diễn ra tự nhiên không có sự khác biệt như quá trình thụ thai thông thường.  Ngoài ra, khi làm IVF, các chuyên gia cũng thực hiện bước sàng lọc phôi tiền làm tổ [6] giúp giảm các nguy cơ về dị tật bẩm sinh và bất thường nhiễm sắc thể, nhờ đó hạn chế nguy cơ trẻ mắc dị tật sau khi được sinh ra.

Làm IVF có đau không?

Nhìn chung IVF là quá trình có xâm lấn, do đó chị em có thể bị đau ở một số giai đoạn, thường gặp nhất ở quá trình kích trứng, chọc hút trứng và chuyển phôi. Tuy nhiên, cảm giác đau này sẽ nhanh chóng giảm đi với các biện pháp chăm sóc từ bác sĩ.

Nam giới có bị ảnh hưởng gì khi làm IVF không?

Với các trường hợp nam giới hiếm muộn được chỉ định làm IVF, tinh trùng không thể lấy được bằng phương pháp xuất tinh thông thường. Trường hợp này, tinh trùng có thể được lấy bằng một trong 2 phương pháp:

  • Phương pháp PESA (MESA): Chọc mào tinh hoàn để lấy tinh trùng với kỹ thuật gây tê tại chỗ
  • Phương pháp micro TESE: Mổ tinh hoàn để lấy tinh trùng với kỹ thuật gây mê toàn thân

Các phương pháp này có thể gây ra một số rủi ro như đau, nhiễm trùng, chảy máu tại chỗ. Tuy nhiên, những nguy cơ này không lớn, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nam giới nếu được chăm sóc sau thủ thuật đúng kỹ thuật. [1]

Nam giới hiếm muộn có thể gặp một số rủi ro trong quá trình lấy tinh trùng làm IVF
Nam giới hiếm muộn có thể gặp một số rủi ro trong quá trình lấy tinh trùng làm IVF

Bài viết trên đây đã giải đáp thắc mắc “Làm IVF có hại không” và những lo ngại liên quan đến vấn đề này. Nhìn chung, kỹ thuật IVF có thể xảy ra một số rủi ro, tuy nhiên ảnh hưởng không quá lớn và có thể kiểm soát được nhờ việc thăm khám, điều trị sớm và theo dõi kỹ lưỡng. Để hạn chế tối đa rủi ro, các cặp vợ chồng nên tìm đến những cơ sở làm IVF uy tín như Đông Đô IVF Center với tỷ lệ thành công hơn 80%. Liên hệ hotline 1900 1965 để được chuyên gia tư vấn và giải đáp thắc mắc.

5/5 - (1 bình chọn)

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Đông Đô IVF Center chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo
  1. Những ảnh hưởng có thể có của IVF đến sức khỏe, Org.au. Available at: https://www.varta.org.au/sites/default/files/2020-12/Possible%20health%20effects%20of%20IVF%20-%20Vietnamese.pdf (Accessed: January 31, 2024).
  2. Các thuốc nội tiết sử dụng trong kích thích buồng trứng và hỗ trợ hoàng thể (2011) Org.vn. Available at: https://hosrem.org.vn/detailNews/thongtin/cac-thuoc-noi-tiet-su-dung-trong-kich-thich-buong-trung-va-ho-tro-hoang-the-76 (Accessed: January 31, 2024).
  3. Ovarian hyperstimulation syndrome (OHSS) Cleveland Clinic. Available at: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17972-ovarian-hyperstimulation-syndrome-ohss (Accessed: January 31, 2024).
  4. Michalopoulos, S. et al. (2023) “Retrospective study of the correlation between twin pregnancies and perinatal outcome in association to the impact of preterm birth,” Materia Socio-Medica, 35(3), p. 215. doi: 10.5455/msm.2023.35.215-221.
  5. IVF nhs.uk. Available at: https://www.nhs.uk/conditions/ivf/risks/ (Accessed: January 31, 2024).
  6. Huynh Q. (2021) Chẩn đoán di truyền tiền làm tổ PGT – Cách lựa chọn được phôi tốt tránh bệnh di truyền từ bố mẹ sang con, IVFMD. ĐƠN VỊ HỖ TRỢ SINH SẢN MỸ ĐỨC. Available at: https://ivfmd.vn/chan-doan-di-truyen-tien-lam-to-pgt/ (Accessed: January 31, 2024).
5/5 - (1 bình chọn)

Để lại bình luận