Bài viết được viết bởi BS. Vũ Việt Dũng – Bác sĩ hỗ trợ sinh sản và được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI. Tăng Đức Cương – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đông Đô.
Sau khi IVF thành công và biết tin vui mang thai, mỗi khoảnh khắc là niềm hạnh phúc và sự chờ mong của mẹ. Thời điểm này, mẹ có thể bắt đầu tính tuổi thai cũng như ngày dự sinh để chuẩn bị sẵn sàng chào đón em bé. Khác với việc mang thai tự nhiên, tuổi thai IVF sẽ phụ thuộc vào thời gian nuôi phôi và ngày chuyển phôi. Qua bài viết dưới đây, mẹ bầu sẽ được hướng dẫn cách tính tuổi thai IVF để chủ động động trong việc theo dõi sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Ý nghĩa của việc tính tuổi thai IVF
Tuổi thai là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ thời gian mang thai. Khi tính tuổi thai, đơn vị thường được sử dụng là tuần tuổi. Tính tuổi thai đem lại rất nhiều lợi ích cho thai kỳ mà ba mẹ không nên bỏ qua. [1]
Mục đích của việc tính tuổi thai IVF tương tự với tính tuổi thai tự nhiên. Việc này giúp các mẹ có thể chủ động hơn khi theo dõi sự phát triển của thai nhi, xác định các cột mốc quan trọng và để có một thai kỳ khỏe mạnh. Hơn nữa, nắm vững cách xác định tuổi thai trong IVF còn giúp mẹ hạn chế những yếu tố nguy hại tới thai nhi.
Tuổi thai có mối liên hệ chặt chẽ tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Bởi lẽ trong suốt hơn 9 tháng thai kỳ, thai nhi sẽ phát triển liên tục theo từng giai đoạn cụ thể. Sự thay đổi của em bé trong bụng sẽ gây ra ảnh hưởng những nhất định tới sức khỏe của mẹ. Nếu có thể dự đoán được điều này thông qua cách tính tuổi, mẹ sẽ chuẩn bị tốt hơn cả về mặt tâm lý và dinh dưỡng thích hợp nhất trong quá trình mang thai.[1]
Có thể bạn quan tâm:
Cách tính tuổi thai IVF
Với IVF, phôi được tạo ra từ quá trình thụ tinh sẽ tiếp tục được nuôi cấy trong môi trường đặc biệt từ 3 – 5 ngày, trước khi được đưa vào tử cung của người mẹ. Như vậy, tùy vào ngày chuyển phôi mà việc tính tuổi thai cũng sẽ khác nhau.
Chia sẻ về kiến thức này, bác sĩ Tăng Đức Cương cho biết, công thức tự tính tuổi thai IVF theo tuần được áp dụng như sau:
- Cách tính tuổi thai IVF phôi ngày 3: Nếu mẹ bầu chuyển phôi ngày 3, tuổi thai nhi sẽ cần với 2 tuần và 3 ngày (17 ngày):
Tuổi thai (tuần) = (Ngày hiện tại – ngày chuyển phôi + 17 ngày ) / 7 |
- Cách tính tuổi thai IVF phôi ngày 5, 6: Các mẹ được thực hiện chuyển phôi vào ngày 5, 6 thì khi tính tuổi thai nhi IVF sẽ cần cộng 2 tuần và 5 ngày (19 ngày)
Tuổi thai (tuần) = (Ngày hiện tại – ngày chuyển phôi + 19 ngày) / 7 |
- Tính tuổi thai bằng siêu âm:
Ngoài cách tự tính tuổi thai IVF dựa vào thời điểm chuyển phôi, mẹ có thể tính tuổi bằng phương pháp siêu âm. Khi siêu âm, bác sĩ sẽ dựa vào chỉ số và hình ảnh thu được để tính tuổi thai, kích thước thai nhi và dự đoán thời gian em bé chào đời. Tuy nhiên, độ chính xác của kết quả phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm thực hiện, tốt nhất là trong khoảng 3 tháng đầu thai kỳ. Sau khoảng thời gian này, kết quả sẽ dễ bị sai lệch. [1]
Cách tính ngày dự sinh cho thai IVF
Tương tự với cách tính tuổi thai IVF, để biết ngày dự sinh mẹ có thể tham khảo một trong hai phương pháp là tính dựa vào ngày chuyển phôi và siêu âm.
Cách 1 – Tự tính theo tuổi thai: Các mẹ có thể căn cứ vào thời điểm chuyển phôi sau đó áp dụng công thức như sau: Ngày dự sinh IVF = Ngày chuyển phôi + X Trong đó:
- Phôi 3 ngày — Ngày chuyển phôi + 266 ngày (hoặc 38 tuần) – 3 ngày (tuổi phôi).
- Phôi 5 ngày — Ngày chuyển phôi + 266 ngày (hoặc 38 tuần) – 5 ngày (tuổi phôi).
Cách 2 – Siêu âm: Tương tự như siêu âm tính tuổi thai, kết quả dự đoán ngày sinh chỉ chính xác khi mẹ bầu đi khám và siêu âm từ 9 – 13 tuần. Bác sĩ sẽ dựa trên các chỉ số để đưa ra ngày dự sinh.
Lưu ý giúp mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh
Sau khi đã xác định được tuổi thai và ngày dự sinh, các mẹ cần chủ động xây dựng một chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi khoa học để có một thai kỳ khỏe mạnh
- Nắm bắt được tuổi thai sẽ giúp mẹ xác định được các cột mốc quan trọng trong thai kỳ. Vì vậy tại mỗi giai đoạn mẹ nên tới thăm khám định kỳ, tham khảo và chăm sóc sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Cân bằng giữa nghỉ ngơi và luyện tập vừa phải, xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
- Cả ba và mẹ đều cần phải nắm rõ các dấu hiệu chuyển dạ để đến bệnh viện kịp thời, giúp cho mẹ bầu “vượt cạn” thuận lợi hơn, giảm thiểu những nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi.
- Trang bị kiến thức liên quan tới sinh nở, phân biệt giữa rỉ ối với chảy dịch âm đạo và các bất thường khác khi mang thai để có biện pháp can thiệp xử trí kịp thời, tránh tình trạng sinh non hoặc suy thai…
- Khi bước vào giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ cần cẩn trọng với hiện tượng chảy máu trong, cần nắm bắt đúng biểu hiện và đi khám ngay để được can thiệp kịp thời.
- Thường xuyên theo dõi liên tục lượng nước ối, cũng như cân nặng của thai nhi trong 3 tháng cuối để đánh giá sự phát triển và kịp thời các dấu hiệu bất thường.
- Các trường hợp đặc biệt như nhau tiền đạo, thai chậm phát triển, nhẹ cân… cần được theo dõi sát sao để có chỉ định can thiệp kịp thời.
Dựa vào cách tính tuổi thai IVF, các mẹ có thể chủ động hơn trong việc theo dõi sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Bên cạnh đó, các cặp đôi vẫn nên tiến hành thăm khám định kỳ, tham khảo sự tư vấn của bác sĩ để có một thai kỳ khỏe mạnh.