Bài viết được viết bởi BS. Vũ Việt Dũng – Bác sĩ hỗ trợ sinh sản và được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI. Tăng Đức Cương – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đông Đô.
Với sự phát triển của y học, cơ hội có con của các cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ tăng lên nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Trong đó, thụ tinh nhân tạo là giải pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến. Tuy nhiên vẫn có không ít gia đình băn khoăn rằng có nên thụ tinh nhân tạo hay không? Tình trạng hiện tại liệu có phù hợp với phương pháp này? Câu trả lời sẽ được bật mí ngay trong bài viết sau đây.
Có nên thụ tinh nhân tạo không?
“Nên làm thụ tinh nhân tạo bởi đây là phương pháp hỗ trợ sinh sản có chi phí phải chăng, thời gian thực hiện ngắn và có hiệu quả với các trường hợp hiếm muộn.” Bác sĩ Tăng Đức Cương – Giám đốc Đông Đô IVF Center cho biết. Các trường hợp hiếm muộn có thể kể đến như [1]:
- Hiếm muộn không rõ nguyên nhân: Các cặp vợ chồng dưới 35 tuổi, quan hệ tình dục đều và không dùng biện pháp tránh thai sau 1 năm vẫn chưa có con.
- Lạc nội mạc tử cung nhẹ: Nữ giới bị lạc nội mạc tử cung nhẹ, rối loạn rụng trứng, và bất thường ở cổ tử cung.
- Đa nang buồng trứng: Nữ giới mắc đa nang buồng trứng (PCOS).
- Nam giới gặp vấn đề về tinh trùng: Tinh trùng bất thường nhẹ, bất thường trong việc phóng tinh. Người nam bẩm sinh có lỗ tiểu đóng thấp, xuất hiện tình trạng xuất tinh ngược dòng.
- Kháng thể kháng tinh trùng: Là tình trạng kháng thể chống lại tinh trùng khiến các cặp đôi khó khăn trong việc có con tự nhiên.
Ngược lại, nhóm đối tượng sau đây không nên làm thụ tinh nhân tạo [2]:
- Nữ giới bị tắc hoặc cắt cả 2 bên ống dẫn trứng: Vòi trứng có vai trò giúp trứng và tinh trùng gặp nhau để thụ tinh. Do đó, nếu ống dẫn trứng tắc, phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI sẽ không mang lại hiệu quả do tinh trùng không thể gặp trứng.
- Lạc nội mạc tử cung nặng: Lạc nội mạc tử cung ở mức độ nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm vùng chậu, u nang, suy giảm chức năng buồng trứng. Với trường hợp này nữ giới cần được điều trị chuyên sâu để có thể mang thai thành công.
- Nữ giới lớn tuổi: Số lượng và chất lượng buồng trứng ở nữ giới suy giảm theo thời gian. Ngoài ra, tỷ lệ người bị suy buồng trứng, dự trữ buồng trứng quá thấp ở phụ nữ trên 35 tuổi tương đối cao, khiến tỷ lệ thụ thai thành công bằng IUI thấp.
- Nam giới có số lượng và chất lượng tinh trùng quá thấp hoặc nam giới vô tinh: Để thực hiện IUI đòi hỏi yêu cầu về chất lượng và số lượng tinh trùng đảm bảo khả năng thụ tinh thành công. Trong trường hợp số lượng và chất lượng tinh trùng quá thấp hoặc nam giới vô tinh, khả năng thụ tinh theo cơ chế tự nhiên sẽ không cao.
- Đối tượng đã làm IUI thất bại nhiều lần: Trường hợp các cặp đôi đã thực hiện phương pháp IUI từ 3 lần trở lên mà chưa thành công, bác sĩ sẽ khuyên thực hiện IVF là phương pháp có tỷ lệ thành công cao hơn.
- Nam, nữ mang gen bệnh di truyền: Trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý di truyền nếu một hoặc cả hai bố mẹ đều mang gen bệnh. Trong trường hợp này, thụ tinh trong ống nghiệm – IVF sẽ được ưu tiên thực hiện tiến hành sàng lọc phôi trước khi chuyển vào tử cung để giảm thiểu rủi ro.
Khi bị vô sinh, hiếm muộn khó có con, các gia đình nên tiến hành thăm khám sớm nhất có thể để kịp thời phát hiện và khắc phục. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp nhất giúp nâng cao tỷ lệ thụ thai thành công. Nếu không đáp ứng các yêu cầu để làm IUI hoặc đã làm IUI thất bại nhiều lần, các gia đình nên cân nhắc làm IVF để tăng tỷ lệ thành công và tiết kiệm chi phí.
>>> Xem thêm: Điều kiện thụ tinh nhân tạo và những lưu ý quan trọng cần biết
Đánh giá ưu, nhược điểm của phương pháp thụ tinh nhân tạo
Ưu điểm của phương pháp thụ tinh nhân tạo: [3]
- Chi phí tối ưu: So với phương pháp thụ tinh khác như IVF, thụ tinh nhân tạo thường có chi phí thấp hơn, giúp nhiều đôi vợ chồng có khả năng tiếp cận được điều trị.
- Quy trình nhanh gọn: Quy trình thụ tinh nhân tạo đơn giản và nhanh chóng, không đòi hỏi nhiều thời gian và công sức so với các phương pháp khác.
- An toàn, ít xâm lấn: Phương pháp này ít xâm lấn hơn so với IVF, không yêu cầu sự can thiệp sâu vào cơ thể của phụ nữ, giúp giảm nguy cơ về các vấn đề sức khỏe và tác động tâm lý..
Nhược điểm của phương pháp thụ tinh nhân tạo: [3]
- Tỷ lệ thành công không cao so với IVF: Tỷ lệ thành công của thụ tinh nhân tạo thường thấp hơn so với IVF, thường dao động khoảng 15%-20%.
- Chỉ phù hợp với đối tượng hiếm muộn do các nguyên nhân nhẹ: Tinh trùng của nam giới bất thường mức độ nhẹ hoặc vừa (dựa theo kết quả tinh dịch đồ). Nữ giới có Ít nhất 1 trong 2 ống dẫn trứng phải thông, buồng trứng còn hoạt động.
- Nguy cơ mang đa thai cao: Có nguy cơ mang đa thai cao, đặc biệt là trong trường hợp sử dụng thuốc kích thích rụng trứng, tăng cường sản xuất trứng.
- Hạn chế trong việc sàng lọc tiền làm tổ: Theo bác sĩ Tăng Đức Cương, IUI không sàng lọc được các nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ. Đây là một điều đặc biệt cần thiết cho các trường hợp cặp đôi vô sinh có nguy cơ cao.Lưu ý khi lựa chọn phương pháp hỗ trợ sinh sản
Để có được phác đồ điều trị vô sinh hiếm muộn phù hợp nhất cho bản thân, các cặp vợ chồng cần lưu ý:
- Thăm khám từ sớm và tham khảo ý kiến bác sĩ: Đây là yếu tố quan trọng để xác định sớm nguyên nhân hiếm muộn và tìm ra phương pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp nhất, giúp tăng tỷ lệ thành công.
- Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Tương tự như việc thăm khám hiếm muộn sớm, khám tiền hôn nhân sẽ giúp các cặp đôi kịp thời phát hiện các bất thường, điều trị sớm và kịp thời.
- Lựa chọn địa chỉ làm IUI uy tín: Chọn một cơ sở làm IUI uy tín và có kinh nghiệm là rất quan trọng để đảm bảo quy trình được thực hiện chính xác và an toàn. Tại Đông Đô IVF, kỹ thuật IUI được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm với hệ thống trang thiết bị y khoa hiện đại bậc nhất.
- Kết hợp chế độ dinh dưỡng, ăn uống khoa học: Chế độ dinh dưỡng và lối sống có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ tinh và tỷ lệ thành công của quy trình điều trị hiếm muộn. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ ăn uống khoa học và phù hợp.
Các câu hỏi thường gặp khác khi làm thụ tinh nhân tạo
Ngoài câu hỏi có nên thụ tinh nhân tạo không, vẫn còn rất nhiều thắc mắc xoay quanh phương pháp này. Dưới đây là phần giải đáp một số câu hỏi thường gặp nhất về thụ tinh nhân tạo.
1 – Thụ tinh nhân tạo có đau không?
Quy trình thụ tinh nhân tạo thường khá nhanh gọn và ít đau đớn. Trong quá trình kích trứng, nữ giới có thể gặp cảm giác khó chịu nhẹ, tuy nhiên không kéo dài và thường hết sau vài ngày. Ngoài ra, quy trình làm thủ thuật bơm tinh trùng vào tử cung cũng nhẹ nhàng, ít xâm lấn, thường không gây khó chịu gì.
2 – Thụ tinh nhân tạo chi phí bao nhiêu?
Chi phí thụ tinh nhân tạo dao động từ 5.000.000 – 10.000.000đ đồng cho mỗi lần thực hiện. Tuy nhiên, thực tế có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy thuộc vào một số yếu tố như: Số lần thực hiện, thuốc kích trứng được sử dụng, cơ sở thực hiện hoặc tình trạng hiếm muộn…
3 – Thụ tinh nhân tạo lấy tinh trùng từ đâu?
Trong quá trình thụ tinh nhân tạo, người chồng sẽ được lấy mẫu tinh trùng để thực hiện bơm tinh trùng vào tử cung người vợ. Trường hợp như nam giới vô tinh hoặc mẹ đơn thân muốn sinh con có thể xin tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng. Để tìm hiểu chi tiết hơn, bạn đọc có thể tham khảo bài viết Thụ tinh nhân tạo lấy tinh trùng từ đâu?.
Tựu chung lại, câu trả lời cho thắc mắc có nên thụ tinh nhân tạo sẽ tùy theo tình trạng hiếm muộn của mỗi gia đình. Phương pháp này sẽ hiệu quả nhất đối với các trường hợp vô sinh nhẹ. Nếu thuộc trường hợp phức tạp hơn, các gia đình nên thăm khám y tế và cân nhắc thực hiện IVF.