Xin trứng làm IVF: Thủ tục, điều kiện và những quy định cần biết

Bài viết được viết bởi BS.Vũ Việt Dũng – Bác sĩ hỗ trợ sinh sản và được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI. Tăng Đức Cương – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đông Đô

Mang thai và làm mẹ là thiên chức của mọi người phụ nữ nhưng không phải ai cũng suôn sẻ có được hạnh phúc này. Tuy vậy, có không ít phụ nữ có buồng trứng không đủ điều kiện để tạo phôi nên cần cần xin trứng làm IVF để chào đón con yêu. Trong bài viết này, Đông Đô IVF Center sẽ giúp mẹ giải đáp các thắc mắc về thủ tục quy trình, những lưu ý quan trọng để thuận lợi xin trứng làm IVF.

Khi nào có thể xin trứng làm IVF?

Xin trứng làm IVF là một trong những giải pháp mang đến cơ hội làm mẹ cho các chị em vô sinh, hiếm muộn.  Phương pháp này được áp dụng cho các trường hợp mà nguyên nhân hiếm muộn đến từ phía người vợ có buồng trứng không đủ điều kiện tạo phôi. Khi này, người chồng bắt buộc phải có tinh trùng tự thân để thực hiện thụ tinh. Các trường hợp người vợ được chỉ định xin noãn gồm [1]:

  • Suy buồng trứng sớm, dự trữ buồng trứng quá thấp.
  • Tuổi tác cao.
  • Đã từng thực hiện nhiều chu kỳ IVF bằng trứng tự thân nhưng thất bại.
  • Số lượng noãn quá ít hoặc chất lượng noãn kém không đủ điều kiện thực hiện IVF.
  • Có các bệnh lý di truyền.
Xin noãn làm IVF
Xin noãn làm IVF chỉ được áp dụng cho một số trường hợp có chỉ định từ bác sĩ

Những ai đủ điều kiện để cho trứng?

Ngay khi có chỉ định xin noãn làm thụ tinh ống nghiệm từ bác sĩ chuyên khoa, các cặp vợ chồng có thể chủ động tìm người tình nguyện cho/hiến noãn đủ điều kiện. Theo Điều 4, Điều 5 và Điều 6 nghị định 10/2015/NĐ-CP  về việc “Sinh con theo phương pháp khoa học”, những người cho/hiến noãn làm IVF cần đáp ứng đủ các điều kiện sau [2]:

  • Chưa từng cho hoặc hiến noãn.
  • Tự nguyện cho tinh trùng, cho noãn và chỉ cho tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
  • Không mắc các bệnh lý di truyền, bệnh tâm thần.
  • Chức năng buồng trứng ổn định, không phát hiện bất thường qua xét nghiệm và siêu âm buồng trứng.
  • Không mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan siêu virus B, C, giang mai…
Điều kiện hiến trứng làm IVF
Người cho trứng cần đáp ứng một số điều kiện về sức khỏe và pháp luật

Người cho trứng có bị ảnh hưởng gì không?

Nhằm đảm bảo an toàn, quyền lợi, tránh các nguy cơ, rủi ro về sau, pháp luật Việt Nam đã quy định nghiêm ngặt về việc cho và hiến tặng noãn làm IVF. Theo đó, người cho/hiến tặng trứng sẽ được đảm bảo tối đa các quyền lợi và độ an toàn để không gặp bất kỳ rủi ro gì trong quá trình cho/hiến trứng.

Tuy nhiên, trong quá trình kích trứng, cơ thể người cho/hiến noãn có thể xuất hiện một số thay đổi sinh lý do tác dụng của thuốc nội tiết. Các triệu chứng bao gồm tình trạng buồn nôn, nôn, đau đầu, căng tức đầu ngực… Dấu hiệu xuất hiện ở mức độ nhẹ và sẽ biến mất sau khi kích trứng từ 7 – 10 ngày.

Quyền và trách nhiệm của người cho/ hiến noãn

Theo quy định và hướng dẫn về việc cho/hiến tặng noãn, người cho/hiến tặng và người nhận noãn có quyền và trách nhiệm được quy định cụ thể.  [1]

Đối với người cho/hiến noãn:

  • Hiểu và tự nguyện đồng ý với trách nhiệm, yêu cầu bổ sung được mô tả trong “Mẫu đơn đồng ý hiến noãn dành cho người hiến noãn”. Điều này cần được đáp ứng như một phần của quy trình, thủ tục cho/hiến noãn.
  • Người cho/hiến noãn có thể thay đổi quyết định bất cứ lúc nào trước thời điểm chọc hút noãn.
  • Người cho/hiến noãn không có quyền, trách nhiệm và thông báo với đứa trẻ sinh ra về vấn đề sử dụng noãn hiến tặng. Có nghĩa là kể từ thời điểm lấy noãn, noãn sẽ thuộc về người xin noãn và người xin noãn sẽ được toàn quyền trong bất kỳ thủ tục y tế và điều trị có liên quan đến noãn hiến và người xin noãn.
  • Đứa trẻ sinh ra bởi cặp vợ chồng xin noãn được pháp luật chứng nhận là con đẻ của cặp vợ chồng xin noãn. Người cho/hiến noãn không được thực hiện hành động thách thức tính hợp pháp của bất kỳ đứa trẻ nào được sinh ra từ cặp vợ chồng xin noãn.
  • Khi cặp vợ chồng xin noãn thành công sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh, tất cả các phôi còn lại sẽ bị hủy.
  • Mọi thông tinh về người cho/hiến noãn sẽ không được tiết lộ cho đứa trẻ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vì lý do y tế, thông tin người cho/hiến noãn có thể được được cung cấp khi có sự cho phép. Các thông tin được cung cấp bao gồm thông tin tiền sử sức khỏe của bản thân và gia đình sau khi hoàn thành chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm.
  • Hiểu và cam kết chưa hiến noãn cho bất kỳ người nhận nào khác dẫn tới kết quả sinh con.
Mỗi người chỉ được cho/hiến trứng 1 lần
Mỗi người chỉ được cho/hiến trứng 1 lần

Đối với người xin/nhận noãn:

  • Hiểu và cam kết chịu trách nhiệm với đứa trẻ được sinh ra  bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm với noãn của người cho/hiến tặng.
  • Hiểu và cam kết hủy toàn bộ phôi, noãn còn lại sau khi sinh thành công đứa trẻ khỏe mạnh.
  • Cam kết không tiết lộ mọi thông tinh về danh tính của người hiến noãn cho đứa trẻ sinh ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vì lý do y tế, thông tin của người hiến noãn (bao gồm thông tin về tiền sử sức khỏe của bản thân hoặc gia đình sau khi hoàn thành chu kỳ IVF) sẽ được cung cấp khi có sự cho phép. Tình trạng bảo mật danh tính của người cho/hiến noãn sẽ được đảm bảo trừ khi pháp luật thay đổi hoặc có sự chấp thuận trao đổi thông tin từ người cho/hiến noãn.
  • Việc xin/nhân noãn là hoàn toàn tự nguyện. Do đó, người xin/nhận noãn phải cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định này và không được có bất kỳ khiếu nại nào về khía cạnh pháp lý, đạo đức cũng như các rủi ro, bất thường nào trong quá trình thực hiện thủ thuật, kỹ thuật liên quan.

Thủ tục xin trứng làm IVF như thế nào?

Thủ tục xin – cho trứng làm IVF có các yêu cầu riêng về hành chính, pháp lý. Do đó, sau khi tìm được được người cho/hiến noãn, cặp vợ chồng làm IVF và người đồng ý hiến noãn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ.

Đối với cặp vợ chồng xin noãn: Chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ cá nhân theo hướng dẫn của cơ sở thực hiện IVF. Tại Đông Đô IVF Center, để làm hồ sơ IVF, khách hàng cần chuẩn bị các giấy tờ bao gồm:

  • Căn cước công dân của vợ và chồng
  • Giấy đăng ký kết hôn.

Lưu ý: Mẫu giấy cam kết được hướng dẫn từ bệnh viện, trung tâm hỗ trợ sinh sản.

Đối với người cho/hiến tặng noãn: Chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ cá nhân theo hướng dẫn của cơ sở thực hiện IVF, bao gồm:

  • Căn cước công dân.
  • Các giấy cam kết theo mẫu được hướng dẫn từ bệnh viện, trung tâm hỗ trợ sinh sản.

Quy trình xin trứng làm IVF

Theo tư vấn của bác sĩ Tăng Đức Cương, tại Đông Đô IVF Center, quy trình làm IVF cho người có buồng trứng không đủ điều kiện tạo phôi sẽ được thực hiện gồm 5 bước sau:

  • Bước 1: Thăm khám

Bác sĩ thăm khám, xác định tình trạng sức khỏe của cặp vợ chồng để tư vấn trường hợp có cần thiết xin trứng làm thụ tinh ống nghiệm hay không.

Thăm khám sức khỏe để được tư vấn khả năng xin trứng làm IVF
Thăm khám sức khỏe để được tư vấn khả năng xin trứng làm IVF
  • Bước 2: Tầm soát

Người cho/hiến trứng sẽ được lấy dấu vân tay, chụp hình lưu hồ sơ và thực hiện một số xét nghiệm để kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe có đáp ứng đủ điều kiện hiến noãn hay không. Ngoài ra, người nhận noãn cũng đồng thời được làm các xét nghiệm bao gồm kiểm tra sức khỏe tổng quát, các xét nghiệm chuyên sâu đánh giá khả năng mang thai trước khi điều trị hiếm muộn.

  • Bước 3: Kích trứng và chọc hút noãn

Nếu người cho/hiến trứng đủ điều kiện sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định quy trình sử dụng thuốc kích trứng. Thuốc được dùng ở dạng tiêm dưới da liên tục trong 9 – 12 ngày. Trong thời gian kích trứng, người cho/hiến noãn sẽ được hẹn tái khám 2 – 3 lần để theo dõi sự phát triển của nang noãn và chuẩn bị cho thời điểm chọc hút.

Kết thúc quá trình kích trứng, đến khi nang noãn đạt kích thước và số lượng yêu cầu, bác sĩ sẽ tiêm thuốc kích thích trưởng thành noãn (hay còn gọi là tiêm rụng trứng). Đây là mũi tiêm quan trọng, do vậy, bác sĩ sẽ hẹn thời gian cố định, thường là 2 ngày sau mũi tiêm rụng trứng. Người cho/hiến noãn cần đến đúng thời gian đã hẹn để thực hiện chọc hút.

Quá trình chọc hút trứng sẽ được thực hiện qua đường âm đạo với sự hướng dẫn của kĩ thuật siêu âm. Cùng thời điểm chọc hút trứng, người chồng sẽ được hướng dẫn lấy tinh trùng để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh trong ống nghiệm.

  • Bước 4: Tạo phôi

Noãn và tinh trùng đủ điều kiện sẽ được đưa vào phòng lab để thực hiện thụ tinh tạo phôi và nuôi phôi. Sau 3 ngày nuôi phôi, chuyên gia sẽ đánh giá chất lượng phôi, thông báo cho cặp vợ chồng làm IVF về số lượng phôi, chất lượng phôi và khả năng chuyển phôi ở thời điểm hiện tại. Một số trường hợp sẽ chuyển phôi ở ngày 3. Một số khác có thể tiếp tục nuôi phôi đến ngày 5, đồng thời tư vấn trữ đông các phôi tiềm năng còn lại.

  • Bước 5: Chuyển phôi

Sau khi có phôi đạt tiêu chuẩn, bác sĩ sẽ tiến hàng chuyển phôi vào tử cung của người vợ. Trước đó, người vợ cần được thăm khám vào ngày 2 – 4 của chu kỳ kinh, sử dụng và điều chỉnh thuốc nếu cần để chuẩn bị niêm mạc tử cung cho việc làm tổ của phôi. Tổng thời gian chuẩn bị này kéo dài khoảng 2 tuần. Khi cơ thể đủ điều kiện, bác sĩ sẽ cấp đơn thuốc tiếp theo và thông báo ngày chuyển phôi cụ thể.

Tham khảo thêm:

Kiểm tra mang thai sau chuyển phôi
Sau khi chuyển phôi người vợ sẽ test mang thai để kiểm tra kết quả

Tôi có thể làm IVF ở đâu?

Muốn tăng tỉ lệ thành công của IVF, các cặp vợ chồng nên tìm đến các cơ sở hỗ trợ sinh sản đáp ứng những tiêu chí sau:

  • Địa chỉ uy tín, đã được giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật.
  • Địa chỉ làm IVF phải đảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự theo quy định của Bộ Y tế.
  • Quy tụ các bác sĩ có chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm và tâm huyết trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản.

Hiện nay Đông Đô IVF Center đáp ứng các tiêu chí cho địa chỉ làm IVF uy tín với quy trình làm IVF với tỉ lệ thành công vượt trội lên tới 80%. Đông Đô IVF Center là nơi quy tụ đội ngũ bác sĩ có chuyên môn giỏi, đầu tư hệ thống trang thiết bị Timelapse, phòng lab… hiện đại và tiên tiến. Điều này giúp nâng cao tỷ lệ điều trị thành công cho các ca vô sinh hiếm muộn khó điển hình như tình trạng nữ giới có chức năng buồng trứng suy giảm, không đủ điều kiện để tạo phôi.

Đội ngũ bác sĩ tại Đông Đô IVF Center
Đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm của Đông Đô IVF Center

Giải đáp các thắc mắc về xin trứng làm IVF

Bên cạnh những thông tin về việc làm IVF cần xin trứng, có không ít các câu hỏi khác mà bạn đọc quan tâm.

IVF xin trứng, con sinh ra có giống mẹ không?

Với em bé được sinh ra từ việc xin trứng, người mẹ mang thai là mẹ ruột, được pháp luật công nhận và bảo hộ. Như mọi trường hợp mang thai thông thường, em bé có thể giống hoặc không giống người mẹ. Quan trọng hơn việc tương đồng về ngoại hình, môi trường và sự giáo dục sẽ đóng vai trò quyết định trong sự phát triển, hình thành nhân cách, tính cách và định hướng tương lai của em bé.

Tham khảo thêm thông tin chi tiết qua bài viết Thụ tinh ống nghiệm có phải con mình không?

Mỗi người được nhận được bao nhiêu trứng? 

Mỗi người chỉ được cho/hiến trứng 1 lần cho 1 cặp vợ chồng nhận trứng. Các cặp vợ chồng có thể nhận được tối đa số trứng trong 1 lần kích – chọc hút từ người cho trứng. Sau khi tạo phôi và sinh ra em bé khỏe mạnh, số phôi còn lại còn sẽ bị hủy.

Tỷ lệ thành công của những ca xin trứng làm IVF là bao nhiêu?

Theo bác sĩ Tăng Đức Cương giải đáp, tương tự như các ca thụ tinh trong ống nghiệm khác, tỉ lệ thành công sẽ phụ thuộc vào chất lượng trứng, tinh trùng, sức khỏe của các cặp vợ chồng. Hiện nay, tỷ lệ thành công của IVF dao động từ khoảng 47% đối với các đối tượng dưới 35 tuổi và khoảng 6 – 16% đối với đối tượng  trên 42 tuổi [3].

Có mất chi phí xin trứng làm IVF không?

Theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo tính nhân đạo vì mục đích mang đến cơ hội làm cha mẹ cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, việc cho/hiến tặng trứng là tự nguyện và không có yếu tố thương mại hay mua bán. Do đó, việc xin trứng không phát sinh bất cứ chi phí nào.

Tuy nhiên, cặp vợ chồng làm IVF vẫn phải chi trả các chi phí khác của quá trình làm IVF như phí thăm khám, tư vấn, điều trị, chi phí thuốc, thủ thuật, phẫu thuật, chi phí trữ đông phôi (nếu có), chi phí nuôi, lọc, chuyển phôi… Tổng chi phí cho toàn bộ quá trình này dao động từ 80 – 100 triệu đồng, tùy thuộc vào từng cơ sở thực hiện và tình trạng, điều kiện sức khỏe của mỗi cặp vợ chồng.

Xin trứng làm IVF là giải pháp hỗ trợ sinh sản giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có được cơ hội làm cha mẹ. Bài viết trên đây đã mang đến các thông tin chi tiết nhất nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề này. Để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết hơn, các cặp vợ chồng có thể liên hệ hotline của Đông Đô IVF Center – 1900 1965.

Rate this post

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Đông Đô IVF Center chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo
  1. Thông tư 57/2015/TT-BYT hướng sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm điều kiện mang thai hộ (2015) THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Available at: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Thong-tu-57-2015-TT-BYT-huong-sinh-con-bang-ky-thuat-thu-tinh-ong-nghiem-dieu-kien-mang-thai-ho-299841.aspx?anchor=dieu_11 (Accessed: February 16, 2024).
  2. Bộ Y tế (2015) Vbpl.vn. Available at: https://vbpl.vn/boyte/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=49308 (Accessed: February 16, 2024).
  3. Amini, P. et al. (2021) “Factors associated with in vitro fertilization live birth outcome: A comparison of different classification methods,” International journal of fertility & sterility, 15(2), pp. 128–134. doi: 10.22074/IJFS.2020.134582.
Rate this post

Để lại bình luận