""

Lão hóa buồng trứng sớm: nguy cơ sẩy thai & cơ hội mang thai nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Ngày nay, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã mang đến nhiều hy vọng cho các cặp vợ chồng gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản, đặc biệt đối với phụ nữ. Nhờ vào sự phát triển của y học hiện đại đã giúp họ thực hiện được thiên chức của mình là được làm cha, làm mẹ.

Phụ nữ càng lớn tuổi thì khả năng mang thai càng giảm do nhiều nguyên nhân, một trong số đó là quá trình lão hóa của buồng trứng. Buồng trứng có chức năng nuôi dưỡng trứng trưởng thành để rụng và thụ thai. Cũng như bất kì bộ phận nào trong cơ thể, buồng trứng cũng có tuổi và cũng đến giai đoạn bị lão hóa. Lão hoá buồng trứng bao gồm: lão hoá bình thường (NOA – normal ovarian aging) và lão hoá sớm (EOA – early ovarian aging).

I/ Lão hoá buồng trứng bình thường (NOA)

NOA bao gồm hai quá trình diễn ra song song:

  • Sự giảm dần số lượng các nang noãn nguyên thủy còn lại
  • Sự suy giảm chất lượng noãn bào, gây ra tăng nguy cơ lệch bội ở phôi.

Quá trình thứ hai có thể được áp dụng để giải thích cho tình trạng suy giảm khả năng sinh sản liên quan đến tuổi tác. Tình trạng này liên quan đến giảm khả năng làm tổ của phôi và tăng nguy cơ sẩy thai dẫn đến giảm khả năng sinh con khi tuổi của phụ nữ ngày càng cao.

Ngoài ra, trong khi sự giảm dần các nang noãn nguyên thủy còn lại sẽ dẫn đến tình trạng mãn kinh (ở độ tuổi trung bình là 51) khi số lượng nang noãn là khoảng 1000 thì khả năng sinh sản thường kết thúc khoảng 5 – 10 năm trước đó, như vậy hai quá trình này không xảy ra đồng bộ.

Một số giả thuyết đã được đưa ra về các cơ chế đằng sau sự suy giảm chất lượng noãn bào, tương ứng với nguy cơ phát sinh lệch bội thể. Tuổi tác càng cao càng gia tăng nguy cơ mất sự gắn kết của nhiễm sắc tử chị em, dẫn tới sự không ổn định của trục phân bào, hiện tượng này đưa đến sự phân chia không đồng đều của nhiễm sắc thể, làm tăng nguy cơ lệch bội.

Tuy nhiên, việc thiếu dữ kiện đầy đủ về cơ chế bệnh sinh đằng sau hai quá trình của NOA cho phép đưa ra giả thuyết rằng hai quá trình có thể không nhất thiết phải đồng bộ; do đó, những dấu hiệu cho thấy sự suy giảm số lượng nang noãn sớm ở phụ nữ trẻ không liên quan đến suy giảm chất lượng noãn bào được ước tính bởi nguy cơ sẩy thai.

II/ Lão hóa buồng trứng sớm (EOA)

Đây là tình trạng giảm nhanh số lượng các nang noãn khi phụ nữ ở độ tuổi từ 20 đến 30 và cuối cùng kết thúc với tình trạng mãn kinh sớm trước 45 tuổi (10% phụ nữ) hoặc mãn kinh sớm trước 40 tuổi (1-5% phụ nữ)

Nguyên nhân: 70% EOA là vô căn, nhưng cũng có thể do các nguyên nhân khác như di truyền ví dụ hội chứng Fragile X và Turner; hay phẫu thuật buồng trứng hoặc hóa trị hoặc bệnh lý tự miễn.

Có thể chẩn đoán EOA bằng đánh giá dự trữ buồng trứng thông qua xét nghiệm AMH (Anti-Müllerian hormone), đếm số nang thứ cấp đầu chu kỳ (AFC) hoặc từ số lượng noãn thu được sau điều trị kích thích buồng trứng trong hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, cần lưu ý dự trữ buồng trứng có thể không liên quan trực tiếp đến chất lượng noãn bào.

Có mối tương quan nghịch giữa số lượng noãn bào chọc hút được và tỷ lệ sẩy thai. Tuy nhiên, ở phụ nữ trẻ dưới 36–37 tuổi, nguy cơ sẩy thai không có mối tương quan chặt chẽ với số lượng noãn. Tuy nhiên, các nghiên cứu này có nhiều hạn chế do không điều chỉnh đầy đủ các yếu tố gây nhiễu có liên quan như BMI, hút thuốc lá, số chu kỳ điều trị trước đó,…

III/ Liệu lão hoá buồng trứng sớm vô căn có liên quan đến sự suy giảm chất lượng noãn bào hay không?

Nhằm trả lời cho các câu hỏi xung quanh vấn đề còn nhiều nghi vấn này, Christensen và cs. (2022) đã thực hiện nghiên cứu đánh giá chất lượng noãn bào dựa trên nguy cơ sẩy thai, bên cạnh cơ hội có thai lâm sàng và trẻ sinh sống sau khi chuyển phôi. Dân số nghiên cứu là ở phụ nữ trẻ có EOA vô căn với phụ nữ trẻ NOA. Câu hỏi nghiên cứu được đặt ra là liệu tình trạng lão hóa buồng trứng vô căn ở phụ nữ trẻ đáp ứng kém với kích thích buồng trứng có liên quan đến việc giảm chất lượng noãn bào được xác định bằng nguy cơ sẩy thai và cơ hội mang thai lâm sàng cũng như trẻ sinh sống hay không?

Đây là một nghiên cứu đoàn hệ, dựa trên dữ liệu được đăng ký quốc gia bao gồm các chu kỳ điều trị của phụ nữ ≤37 tuổi sau khi điều trị thụ tinh ống nghiệm tại Đan Mạch trong giai đoạn 1995–2014. Phụ nữ được chia thành hai nhóm phụ thuộc vào dự trữ buồng trứng của họ bao gồm: Nhóm lão hóa buồng trứng sớm (EOA) & Nhóm lão hóa buồng trứng bình thường (NOA).

  • EOA được định nghĩa là ≤ 5 noãn bào chọc hút được trong chu kỳ điều trị thứ nhất và thứ hai.
  • Nhóm NOA phải có ít nhất hai chu kỳ kích thích buồng trứng với 8 noãn bào chọc hút được trong chu kỳ đầu tiên hoặc chu kỳ thứ hai.
  • Các trường hợp có nguyên nhân đã biết có thể ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng như lạc nội mạc tử cung, phẫu thuật trước đó trên buồng trứng, hội chứng buồng trứng đa nang, hóa trị liệu đều bị loại trừ.
  • Chất lượng noãn bào được đánh giá bằng việc xác định nguy cơ sẩy thai chung (≤ 22 tuần) và được phân tầng thành: thai sinh hóa, sẩy thai sớm (tuổi thai≤ 12 tuần) và sẩy thai muộn (tuổi thai > 12 tuần).
  • Kết cục phụ là tỷ lệ thai lâm sàng và trẻ sinh sống trên mỗi lần chuyển phôi.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy nguy cơ sẩy thai chung của nhóm EOA tương đương với nhóm NOA (OR đã hiệu chỉnh: 1,04, khoảng tin cậy 95%: 0,86; 1,26). Việc phân tầng theo kiểu sẩy thai cho thấy nguy cơ tương đương ở nhóm EOA và NOA. Tỷ lệ thai lâm sàng hoặc trẻ sinh sống theo mỗi chu kỳ chuyển phôi thấp hơn ở nhóm EOA so với nhóm NOA (OR đã hiệu chỉnh lần lượt là 0,77 (0,67; 0,88) và 0,78 (0,67; 0,90).

Dựa theo kết quả nghiên cứu này, các nhà lâm sàng có thêm dữ kiện về tỷ lệ sẩy thai cũng như cơ hội thành công khi điều trị thụ tinh ống nghiệm ở bệnh nhân lão hoá buồng trứng sớm. Nghiên cứu hiện tại không cho thấy tăng nguy cơ sẩy thai chung ở phụ nữ trẻ có EOA. Điều này cho thấy sự giảm sút số lượng noãn nhanh hơn bình thường ở những phụ nữ này không liên quan đến sự suy giảm đồng thời chất lượng noãn bào.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ trẻ sinh sống cho mỗi lần chuyển phôi giảm. Điều này chứng minh rằng có các cơ chế khác đang hoạt động liên quan đến quá trình này. Một giả thuyết được đưa ra là do số noãn bào thu được thấp nên tạo ra ít phôi, ít lựa chọn cho việc sử dụng phôi, dẫn đến việc chuyển phôi có hình thái và tiềm năng làm tổ dưới mức tối ưu. Từ đây, các nhà lâm sàng có thêm cơ sở để tư vấn cho các bệnh nhân lão hóa buồng trứng sớm vô căn, cũng như có các chiến lược điều trị phù hợp cho họ trong tương lai. Hạn chế của nghiên cứu liên quan đến các yếu tố gây nhiễu do lựa chọn trên dân số nghiên cứu vì chỉ bao gồm những phụ nữ có điều trị từ hai chu kỳ trở lên và không có thông tin về tổng liều gonadotropin được sử dụng trong mỗi chu kỳ.

Tại Đông Đô IVF Center, rất nhiều trường hợp các cặp vợ chồng đến khám tại bệnh viện và phát hiện nguyên nhân khó có con xuất phát từ hội chứng suy buồng trứng của người vợ. Sau khi thăm khám và điều trị đã thành công và sinh con bằng chính trứng của mình như:

Trường hợp chị Đào Thị Thúy – 1996, chuyển phôi thành công ngay từ lần đầu tiên tại Đông Đô IVF Center với 1 quả trứng vàng duy nhất do AMH chỉ còn 0,14 – 0.2.

Trường hợp chị Tâm An ở Hà Nội, cũng với 1 quả trứng vàng duy nhất, AMH 0.2, may mắn tạo được 1 phôi ngày 3 đã thành công sinh bé nhờ bàn tay vàng của bác sĩ Tăng Đức Cương.

Trường hợp chị Trần Thị Giang ở Hưng Yên bị suy buồng trứng nặng, AMH chỉ còn 0.74, mỗi chu kỳ siêu âm chỉ được 2-3 nang trứng và được tư vấn can thiệp bằng phương pháp Mini IVF tại Đông Đô IVF Center, đến nay đã thành công đón 2 bé trai.

… và còn rất nhiều các cặp vợ chồng hiếm muộn, những trường hợp rất khó, từng làm IVF nhiều nơi trên thế giới nhưng khi đến với Đông Đô IVF Center, niềm tin và hy vọng đã mang lại sự may mắn trên hành trình tìm kiếm con yêu.

Số liệu: Đông Đô IVF Center.

Nguồn: Hosrem/ Christensen MW, Ingerslev HJ, Kirkegaard K, Kesmodel US. 2022 May 6 “Idiopathic early ovarian ageing: risk of miscarriage and chance of delivery following ART in a nationwide cohort study.” Hum Reprod. DOI: 10.1093/humrep/deac093

Rate this post

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Đông Đô IVF Center chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Rate this post

Để lại bình luận