Chuyển phôi (Embryo stranfer) là một kỹ thuật cuối cùng trong quy trình làm thụ tinh trong ống nghiệm. Khi đó, bác sỹ đặt phôi vào buồng tử cung qua một ống thông mềm (Catheter). Phôi sau đó phát triển thành thai nhi giống như tự nhiên.
Để chuyển phôi thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, chế độ sau chuyển phôi cũng góp một phần không kém quan trọng. Hãy cùng chuyên gia Đông Đô IVF Center tìm hiểu để đảm bảo một chế độ dinh dưỡng tốt, sẵn sàng cho một thai kỳ khỏe mạnh.
1. Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sỹ:
- Sau khi chuyển phôi xong, các mẹ nên nằm lại phòng chăm sóc khoảng 1, 2 tiếng rồi nhẹ nhàng đi tiểu trước khi ra về. Một lưu ý nhỏ nữa là nên đi về bằng ô tô và tránh đường xóc nhé.
- Dùng thuốc đúng và đủ đơn thuốc hỗ trợ dành cho bệnh nhân sau chuyển phôi, đồng thời thông báo cho bác sĩ các tác dụng phụ nếu có để kịp thời điều chỉnh và xử lý. Tuyệt đối không được dừng thuốc khi không có chỉ định của bác sỹ.
- Nếu sau chuyển phôi, gặp các vấn đề về sức khỏe như ốm, cúm, ho, sốt… thì cần liên hệ bác sĩ điều trị để được hỗ trợ, hoặc khi đến gặp các bác sĩ chuyên khoa khác thì cần thông báo tình trạng mới chuyển phôi hoặc có thai để bác sĩ kê thuốc dùng phù hợp.
- Một số loại thuốc và thực phẩm chức năng như vitamin tổng hợp, tinh dầu hoa anh thảo, cao bản long và sữa ong chúa cũng rất tốt trong quá trình điều trị.
- Thử thai đúng lịch hẹn của bác sĩ (10 ngày đối với phôi ngày 5, đối với phôi ngày 3 là 12-14 ngày). Chúng tôi khuyên bệnh nhân không nên thử thai sớm vì khi đó, kết quả chưa chính xác gây hoang mang, lo lắng.
- Trong thời gian từ 5 – 7 ngày sau chuyển phôi, đôi khi các mẹ sẽ thấy bụng hơi khó chịu một chút, thậm chí có thể thấy có chút xíu máu thì có thể là máu báo do phôi thai có thể gây ra vài tổn thương cho niêm mạc tử cung trong quá trình làm tổ, các mẹ cần chú ý nghỉ ngơi cẩn thận. Nếu đau bụng nhiều, ra máu âm đạo thì cần liên hệ ngay vào số hotline hoặc gọi cho bác sỹ để được hỗ trợ kịp thời.
2. Giữ tâm lý thoải mái, tích cực sau khi chuyển phôi:
Nhiều mẹ sau khi chuyển phôi xong thường hay lo lắng về kết quả có thai hay không có thai, rồi chịu áp lực từ gia đình, họ hàng, bè bạn… khiến người bồn chồn, bứt rứt, khó chịu. Điều đó sẽ ảnh hưởng khá tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe.
Lời khuyên cho các mẹ đó là hãy tươi vui lên, lạc quan lên, các con nhất định sẽ về. Nghe nhạc thư giãn, đi bộ nhẹ nhàng cùng chồng, ngắm ảnh các thiên thần nhỏ, nghĩ về những điều tốt đẹp… cũng là những phương pháp có thể cải thiện tâm lý hiệu quả.
3. Chế độ dinh dưỡng:
- Ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất: thịt, cá, trứng, rau xanh, trái cây, uống ngũ cốc nội tiết; ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu như rau lang, khoai lang, chuối, uống nước cam, và uống nhiều nước mỗi ngày để phòng ngừa táo bón. Táo bón có thể là nguyên nhân gây tuột thai trong giai đoạn đầu nên các mẹ cần lưu ý. Ăn các loại rau có màu xanh đậm cũng rất tốt vì bổ sung axit folic cho thai nhi.
- Theo kinh nghiệm dân gian thì các mẹ nên ăn cháo cá chép và ăn trứng luộc, rất bổ dưỡng và có tác dụng an thai. Ngoài ra, các loại cháo cá hồi, cháo bào ngư cũng bổ xung nhiều dưỡng chất cho cơ thể bà bầu.
- Tránh ăn các thực phẩm có thể gây dị ứng như cá nóc, các loại hải sản như cua, sò, ốc… Tránh ăn đồ cay, lạnh.
- Không ăn một số thực phẩm có thể gây sảy thai như: nước dừa tươi; đu đủ; rau má, rau ngót , rau răm, khoai tây mọc mầm, măng, mướp đắng …
- Kiêng rượu, bia, thuốc lá, nước ngọt có ga và các chất kích khác.
- Không uống nước đá dễ gây viêm họng, ho.
- Không ăn và uống các chất quá chua gây mất máu.
- Lưu ý là không có thức ăn nào làm tăng tỉ lệ có thai
4. Chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt:
- Các mẹ nên nghỉ ngơi đầy đủ, ở chỗ thoáng gió, tuy nhiên, không nên nằm bệt một chỗ quá lâu, cản trở việc lưu thông khí huyết.
- Hạn chế tối đa leo cầu thang.
- Bệnh nhân vẫn có thể tự phục vụ, làm việc nhẹ nhàng, sinh hoạt bình thường cho lưu thông khí huyết, giúp làm ấm tử cung tạo môi trường cho phôi làm tổ.
- Tránh làm việc nặng, các hoạt động gắng sức trong quá trình chờ thử thai. Không nên cúi, rướn người lên hoặc đi nhón gót.
- Kiêng quan hệ vợ chồng trong thời gian chờ thử thai, cũng không nên kích thích co bóp tử cung ảnh hưởng đến phôi thai.
- Hạn chế thông báo cho người thân, bạn bè để tránh những cuộc đến thăm khiến bạn phải tiếp chuyện nhiều, hoặc gây ảnh hưởng tâm lý, không có thời gian nghỉ ngơi.
5. Một số biện pháp hỗ trợ khác (không bắt buộc):
- Hiện nay có quan điểm thiên về sử dụng các liệu trình và thuốc gần gũi với thiên nhiên, ít xâm lấn và tác dụng phụ nên bệnh nhân có thể cân nhắc tới sự hỗ trợ của đông y.
- Các liệu trình xoa bóp, bấm huyệt và các bài thuốc làm ôn ấm dạ con, làm thư giãn, xả stress trước và sau chuyển phôi đã được chứng minh mang đến hiệu quả tố để các bạn tham khảo.