Bài viết được viết bởi BS.Vũ Việt Dũng – Bác sĩ hỗ trợ sinh sản và được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI. Tăng Đức Cương – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đông Đô
Thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh ống nghiệm (IVF) là những phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến nhất hiện nay. Dù có sự khác biệt về quy trình, thời gian chuẩn bị và đối tượng áp dụng, nhưng mục tiêu của IUI và IVF đều giúp mang đến những em bé khỏe mạnh cho các gia đình hiếm muộn. Khi sinh con nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản, không ít các bố mẹ sẽ gặp nhiều băn khoăn. Trong đó không thể bỏ qua câu hỏi về tuổi thọ của trẻ thụ tinh nhân tạo, ống nghiệm có gì khác biệt.
Tuổi thọ của trẻ thụ tinh nhân tạo, thụ tinh ống nghiệm như thế nào?
Hiện nay, chưa có nghiên cứu cụ thể nào về tuổi thọ của trẻ thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh ống nghiệm. Tuy nhiên theo bác sĩ Tăng Đức Cương – Giám đốc Đông Đô IVF Center, tuổi thọ của các em bé này giống với tuổi thọ trung bình của người bình thường. Bác sĩ cũng giải thích cụ thể:
- Quy trình thực hiện phương pháp hỗ trợ sinh sản không ảnh hưởng tới tuổi thọ của em bé sau khi sinh: Các tác động của IUI và IVF chỉ giúp cho tinh trùng dễ dàng gặp được trứng và tăng tỷ lệ thụ thai thành công. Việc thụ tinh nhân tạo vẫn là quá trình thụ thai tự nhiên bên trong cơ thể người mẹ. Với thụ tinh trong ống nghiệm thì quá trình thụ tinh sẽ diễn ra bên ngoài, phôi được nuôi với điều kiện môi trường được thiết kế như trong tử cung người mẹ, đồng thời các phôi được sàng lọc kỹ lưỡng trước khi chuyển vào cơ thể nên chất lượng phôi thai được đảm bảo tốt nhất.
- Thuốc hỗ trợ sinh sản không ảnh hưởng đến sức khoẻ của em bé: Bên cạnh đó các loại thuốc nội tiết, kích trứng dùng cho người mẹ trong quá trình làm IUI hay IVF đảm bảo an toàn với phôi thai. Thuốc hỗ trợ sinh sản chỉ động giúp buồng trứng sản sinh ra nhiều hơn những nang trứng đáp ứng yêu cầu thụ thai.
Trên thực tế, tuổi thọ của một người sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như sức khỏe khi sinh ra, môi trường nuôi dưỡng và chăm sóc sau sinh, cũng như yếu tố di truyền và sinh học.
Có thể bạn quan tâm: Review bác sĩ Tăng Đức Cương – Bàn tay vàng trong làng IVF
Trẻ sinh ra bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản có bình thường như các em bé khác?
Những em bé được sinh ra nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản có sức khỏe và sự phát triển như các bé được sinh tự nhiên, cả về thể chất lẫn trí tuệ. [1]
Về sức khỏe:
- Cho đến nay, chưa có dữ liệu nào cho thấy việc được sinh ra bằng IUI hay IVF làm giảm tuổi thọ của trẻ. Thực tế, em bé trong ống nghiệm đầu tiên trên thế giới được sinh ra vào ngày 25 tháng 7 năm 1978 tại Anh Quốc, tức là hiện nay đã hơn 45 tuổi, đang sống và làm việc khỏe mạnh, đã lập gia đình, sinh con [2]. Công nghệ IVF trên thế giới cũng đã phát triển tới thế hệ thứ 3, góp phần mang lại cơ hội chào đời cho hơn 10 triệu em bé [3].
- Trên thực tế, bác sĩ Tăng Đức Cương – một trong những chuyên gia thụ tinh ống nghiệm giải thích, không có gì đảm bảo rằng trẻ sẽ khỏe mạnh đến già, dù là sinh ra tự nhiên hay cần các phương pháp hỗ trợ. Khả năng mắc bệnh còn liên quan nhiều tới gen, thói quen sinh hoạt và môi trường sống. Và trên quan điểm lâm sàng, kỹ thuật IVF sẽ giúp chọn lọc những tinh trùng khỏe và tốt nhất để kết hợp với trứng để tạo phôi, sau đó tiếp tục sàng lọc các phôi bất thường. Dựa vào đó, sức khỏe của em bé IVF có thể được đảm bảo hơn khi có cơ hội loại bỏ các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh.
Về trí tuệ
- Các yếu tố về trí tuệ, cảm xúc của em bé IUI hay IVF cũng tương đồng với các em bé tự nhiên. Sự phát triển của trí tuệ cảm xúc sẽ phụ thuộc phần lớn từ cách nuôi dưỡng, môi trường sống của trẻ sau khi sinh ra chứ không chỉ do gen quy định.
- Ở Phần Lan, tỷ lệ trẻ em được sinh ra hằng năm nhờ phương pháp IVF xấp xỉ 3,3% và tỷ lệ phần trăm dân số, tình trạng sức khỏe và nhận thức không khác biệt gì với trẻ thụ tinh tự nhiên. [4]
Những em bé đã sinh ra nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản
Thụ tinh nhân tạo đã được ứng dụng từ thế kỷ 18 và có hàng triệu trẻ em được sinh ra nhờ phương pháp này và sống khỏe mạnh. Đến cuối thế kỷ 19, ngành y học thế giới có bước ngoặt lớn khi cho ra đời tiền thân của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm được biết là phương pháp nuôi cấy phôi. Walter Heap – giáo sư, bác sĩ thuộc trường đại học Cambridge – Anh được cho là cha đẻ của phương pháp này. Tuy nhiên, trong thời điểm này, những báo cáo mới chỉ được thử nghiệm trên động vật.
Hai nhà khoa học người Anh là Robert Geoffrey Edwards và Patrick Steptoe đã thành công phát triển kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm. Đến tận năm 1978, Louis Brown được ghi nhận là em bé ống nghiệm thành công đầu tiên trong lịch sử và em gái của Louise Brown là Natalie Brow ra đời 4 năm sau đó cũng nhờ phương pháp tương tự. Hiện tại, người này vẫn đang sống khỏe mạnh và sinh con bình thường. Thành tựu khoa học đột phá của hai nhà khoa học này đã đặt cơ sở cho sự ra đời của kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), chẩn đoán di truyền phôi (PGD) và nghiên cứu tế bào mầm.[2]
Tại Việt Nam, Bệnh viện Từ Dũ đã trở thành cơ sở y tế đầu tiên ứng dụng thành công IVF, năm 1998 ghi nhận 3 em bé được ra đời khỏe mạnh nhờ phương pháp này. Các bé là Mai Quốc Bảo, Phạm Tường Lan Thy và Lưu Tuyết Trân…đến nay đã 26 tuổi, trưởng thành khỏe mạnh và đạt được những thành tựu trong công việc lẫn học tập.[5]
Một số rủi ro có thể gặp ở trẻ thụ tinh nhân tạo và ống nghiệm
Một số rủi ro về sức khỏe em bé IUI hay IVF có thể gặp phải đến từ nguy cơ mang đa thai:
- Nguy cơ mang đa thai: Trong quá trình điều trị IUI hoặc IVF, một số trường hợp có thể mang thai đa gây ra các vấn đề sức khỏe cho mẹ như rủi ro cao hơn về tiền sản giật, tăng nguy cơ sinh non hoặc phát triển mất cân đối của song thai. [6]
- Tăng huyết áp và tiểu đường thai kỳ: Sản phụ mang thai nhờ IVF có nguy cơ gặp các vấn đề về tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp trong thai kỳ cao hơn. [7]
- Ra máu trong thai kỳ: Mặc dù hầu hết các trường hợp mang thai sau IVF đều tiến triển mà không có các biến chứng chi cả, nhưng các nghiên cứu cho thấy là phụ nữ được thụ tinh bằng IVF có nhiều khả năng bị ra máu trong thời gian mang thai. [7]
Đối tượng làm IUI, IVF thường là các vợ chồng có bệnh nền về sức khỏe sinh sản, hiếm muộn nên cũng tiềm ẩn một số rủi ro trong quá trình mang thai và sức khỏe em bé. Theo đó, khi mang thai nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản, các gia đình cũng cần thận trọng và lưu ý trong việc chăm sóc thai nhi, sức khỏe của mẹ trong suốt thai kỳ.
Hiện nay, chưa có đủ cơ sở khoa học để khẳng định các biện pháp hỗ trợ sinh sản có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé hay không. Tuổi thọ của trẻ thụ tinh nhân tạo hay ống nghiệm phụ thuộc phần lớn vào gen di truyền, chế độ chăm sóc và lối sống. Vì vậy, ba mẹ hãy cân nhắc tới những yếu tố này để giúp bé có sức khỏe thể chất và trí tuệ tốt nhất nhé.