Bài viết được viết bởi BS. Vũ Việt Dũng – Bác sĩ hỗ trợ sinh sản và được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII. Tăng Đức Cương – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đông Đô.
Phụ nữ ngày nay càng độc lập, tự chủ, càng có nhiều người lựa chọn trở thành mẹ đơn thân. Theo đó, nhu cầu chị em tìm đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản ngày càng phổ biến hơn. Một trong những phương pháp được quan tâm nhất hiện nay đó là thụ tinh nhân tạo mẹ đơn thân. Đông Đô IVF Center sẽ cung cấp những thông tin quan trọng để quá trình thực hiện thụ tinh nhân tạo của chị em được thuận lợi và suôn sẻ nhất.
Có thể thụ tinh nhân tạo để làm mẹ đơn thân không?
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 3 và Điều 5 Nghị định 10/2015/NĐ-CP [1], phụ nữ độc thân hoàn toàn có quyền được sinh con với các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nếu có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Trường hợp phụ nữ độc thân có noãn đảm bảo chất lượng, có nhu cầu sinh con thì hoàn toàn có quyền xin/nhận tinh trùng để tự sinh con.
Bên cạnh các quy định về pháp luật, việc nữ giới chưa kết hôn có thể thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản thành công hay không cũng cần dựa trên tình trạng sức khỏe của từng người. Bởi khả năng sinh sản của phụ nữ phụ thuộc lớn vào độ tuổi. Khi tuổi tác càng cao, dự trữ buồng trứng và chất lượng trứng giảm, các vấn đề về nội tiết và chức năng sinh sản tăng dần. Vì vậy, tỉ lệ thành công khi sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản ở mỗi độ tuổi sẽ khác nhau. Để được tư vấn chi tiết hơn, chị em nên đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và tư vấn phương pháp mang thai phù hợp.
Yêu cầu về điều kiện của người xin và hiến tinh trùng
Khi thực hiện thụ tinh nhân tạo mẹ đơn thân, pháp luật Việt Nam có một số yêu cầu nhất định đối với người xin và người hiến tinh trùng. Cụ thể như sau:
Người xin tinh trùng
Người xin tinh trùng để làm mẹ đơn thân cần đáp ứng điều kiện [1]:
- Là phụ nữ độc thân, chưa kết hôn.
- Đảm bảo sức khỏe sinh sản (noãn đảm bảo chất lượng để thụ thai) và có nhu cầu sinh con.
- Đảm bảo sức khỏe theo quy định để thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản , mang thai và sinh con.
Người hiến tinh trùng
Điều kiện của người hiến tinh trùng [1]:
- Đảm bảo điều kiện về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và sức khỏe sinh sản (Nam giới hiến tinh trùng sẽ được thăm khám, làm các xét nghiệm cơ bản để xác định: không mắc bệnh tâm thần, không mắc các bệnh lý khác ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và tự chủ hành vi, không nhiễm HIV).
- Tự nguyện cho/hiến tinh trùng và chỉ cho/hiến tại duy nhất một cơ sở khám/chữa bệnh được Bộ Y tế công nhân thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
- Tinh trùng của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu sinh con không thành công mới được sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công, toàn bộ số tinh trùng, noãn, phôi, chưa sử dụng hết phải được tiêu hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở đã được cấp phép phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học.
- Được bảo mật thông tin cá nhân. Cơ sở khám chữa bệnh không được cung cấp các thông tin, bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh của người cho/hiến tinh trùng.
Quy trình làm thụ tinh nhân tạo cho mẹ đơn thân
Khi làm thụ tinh nhân tạo mẹ đơn thân, chị em cần thực hiện theo hướng dẫn, quy định của bác sĩ và cơ sở y tế. chú ý các bước sau:
Chuẩn bị giấy tờ
Trước khi bắt đầu thực hiện thụ tinh nhân tạo, chị em cần chuẩn bị 2 loại giấy tờ [1] :
- Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu.
- Giấy xác nhận tình trạng độc thân bản gốc, có xác nhận bởi Ủy ban nhân dân xã, phường, thành phố cư trú với mục đích “Bổ sung hồ sơ khám bệnh”.
Các xét nghiệm cần thiết
Theo tư vấn của bác sĩ Tăng Đức Cương – Giám đốc Đông Đô IVF Center trước khi làm thụ tinh nhân tạo, nữ giới cần thực hiện một số xét nghiệm, bao gồm:
- Xét nghiệm kiểm tra bệnh truyền nhiễm: gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm PCR, VDRL/TPHA , xét nghiệm Elisa, nuôi cấy, soi tươi dịch âm đạo/niệu đạo…
- Kiểm tra sức khỏe sinh sản: Kiểm tra chỉ số AMH ở mức tốt, ít nhất một vòi trứng khỏe mạnh là điều kiện thuận lợi để đảm bảo phương pháp thụ tinh nhân tạo diễn ra thuận lợi. Ngoài ra, chị em có thể được chỉ định một số xét nghiệm khác để đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe cho việc thụ tinh, mang thai và sinh con. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp, hẹn lịch thăm khám kế tiếp.
Quy trình xin tinh trùng
Bác sĩ Tăng Đức Cương giải thích chi tiết về quy trình làm thụ tinh nhân tạo cho mẹ đơn thân:
- Bước 1: Tìm người cho/hiến tinh trùng
Đây là bước quan trọng để bắt đầu quá trình thụ tinh nhân tạo mẹ đơn thân. Chị em cần vận động một người nam giới khỏe mạnh trên 20 tuổi có đủ điều kiện sức khỏe và tinh thần hiến tinh trùng. Mẫu tinh trùng này sẽ được hoán đổi với mẫu tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng để thực hiện thụ tinh.
- Bước 2: Xét nghiệm đối với người hiến tinh trùng
Người cho/hiến tinh trùng sẽ được làm các xét nghiệm để đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe để hiến/tặng, bao gồm: xét nghiệm tinh dịch đồ, công thức máu, xét nghiệm viêm gan B, C, xét nghiệm HIV lần 1, giang mai…
- Bước 3: Lấy mẫu tinh trùng
Trường hợp người hiến tặng tinh trùng đủ điều kiện sức khỏe sẽ được hẹn thời gian lấy mẫu tinh trùng và thăm khám sức khỏe tâm lý. Sau khi lấy mẫu tinh trùng, người hiến tặng sẽ thực hiện xét nghiệm HIV lần 2 sau 3 tháng kể từ lần lấy mẫu tinh trùng cuối cùng.
- Bước 4: Hoán đổi mẫu tinh trùng
Nếu tinh trùng của người hiến tặng đảm bảo chất lượng sẽ được chuyển đến ngân hàng tinh trùng để hoán đổi mẫu. Sau đó, chị em sẽ nhận được một mẫu tinh trùng khác từ ngân hàng tinh trùng, không phải mẫu tinh trùng từ người được vận động hiến tặng. Quy tắc sử dụng tinh trùng hiến tặng được đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân của người hiến và nhận tinh trùng.
Quy trình làm thụ tinh nhân tạo
Sau khi có mẫu tinh trùng đảm bảo chất lượng, chị em sẽ được hẹn lịch kiểm tra sức khỏe lần cuối để tiến hành làm IUI. Tương đương với quy trình thụ tinh nhân tạo chung, quy trình thụ tinh nhân tạo cho mẹ đơn thân được thực hiện gồm 4 bước sau [2]:
- Bước 1: Xác định thời điểm rụng trứng – Bác sĩ kiểm tra để xác định chính xác thời điểm rụng trứng của nữ giới. Một số trường hợp, nữ giới cần thêm liệu thuốc hỗ trợ sinh sản để kích thích rụng trứng.
- Bước 2: Lấy và lọc mẫu tinh trùng – Tinh trùng được lấy để thụ tinh cần qua một bước lọc rửa trước khi bơm vào tử cung.
- Bước 3: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung – Tinh trùng đã lọc rửa được đưa vào tử cung của nữ giới. Quy trình nhanh chóng và diễn ra trong vài phút.
- Bước 4: Thử thai – Thử thai để biết kết quả sau khoảng 2 tuần.
Nếu kết quả thành công, chị em bắt đầu hành trình mang thai và làm mẹ như thông thường. Trong quá trình mang thai, người mẹ cần đến các cơ sở thăm khám sản khoa để kiểm tra định kỳ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
Chi phí thụ tinh nhân tạo cho mẹ đơn thân
Đối với thụ tinh nhân tạo mẹ đơn thân, chị em cần chi trả các chi phí thăm khám, xét nghiệm cho bản thân và người được vận động để hiến tặng tinh trùng, chi phí để xuất và bảo quản mẫu tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng. Tại Đông Đô IVF Center, tổng chi phí thực hiện IUI có thể dao động từ 5 – 20 triệu đồng/chu kỳ điều trị.
Một số lưu ý khác cho mẹ đơn thân làm thụ tinh nhân tạo
Các câu hỏi dưới đây được nhiều chị em quan tâm:
- Tại sao phải đổi mẫu tinh trùng?
Ngân hàng tinh trùng được hoạt động dựa trên nguyên tắc vô danh, có nghĩa là người hiến tặng và người nhận tinh trùng không được biết danh tính của nhau. Đối tượng muốn dùng mẫu từ ngân hàng tinh trùng phải vận động một người đủ điều kiện sức khỏe để hiến tinh trùng, trao đổi mẫu với ngân hàng.
- Muốn làm mẹ đơn thân nên thực hiện IUI hay IVF?
Bác sĩ Tăng Đức Cương cho biết, IUI và IVF là 2 phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến, được nhiều chị em lựa chọn để bắt đầu cho hành trình làm mẹ đơn thân. Mỗi phương pháp có ưu nhược điểm riêng. Phương pháp IUI có chi phí thấp, tiết kiệm nhưng tỷ lệ thành công thấp, trong khoảng 15%. Nếu làm IUI thất bại, nữ giới sẽ cần làm đơn xin tinh trùng lần nữa dẫn đến tốn thời gian và chi phí. Trong khi đó IVF có tỷ lệ thành công cao hơn, lên đến 60% nhưng chi phí cao cho một lần thực hiện. Chị em nên dựa vào nhu cầu, tình trạng sức khoẻ và khả năng kinh tế của bản thân để tham khảo phương pháp phù hợp.
Thông thường, nếu chị em vẫn còn trẻ tuổi, chức năng buồng trứng đảm bảo, bác sĩ thường tư vấn làm IUI. Trong trường hợp nữ giới lớn tuổi, gặp các vấn đề như tắc vòi trứng, lạc nội mạc tử cung, suy buồng trứng…, phương pháp IVF khi này sẽ phù hợp hơn. Trước khi lựa chọn, chị em nên thực hiện thăm khám sức khỏe và tư vấn cùng bác sĩ chuyên khoa.
- Hiến tinh trùng có ảnh hưởng gì không?
Việc hiến tặng tinh trùng hầu như không gây bất kỳ nguy cơ sức khỏe nào. Trên thực tế, một số người hiến tặng tinh trùng lo lắng việc này có thể gây ra hôn nhân cận huyết. Tuy nhiên, theo Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 15/03/2015 của Chính phủ, mỗi người chỉ được hiến tặng duy nhất một lần và chỉ sử dụng cho một lần mang thai thành công.
Thụ tinh nhân tạo mẹ đơn thân chưa bao giờ dễ dàng nếu bạn chưa thực sự sẵn sàng và chuẩn bị chu đáo. Hãy liên hệ hotline 1900 1965 để được các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa của Đông Đô IVF Center hỗ trợ, tư vấn giải đáp thắc mắc.