NÊN CHUYỂN PHÔI TƯƠI HAY ĐÔNG LẠNH?
Chuyển phôi (Embryo Transfer) là một bước rất quan trọng trong toàn bộ quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Kỹ thuật chuẩn bị các điều kiện tối ưu cho phôi làm tổ quyết định tỷ lệ có thai của bệnh nhân.
Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng hiện nay có xu hướng nghiêng về chuyển phôi đông lạnh ( FET) thay vì chuyển phôi tươi ( ET). Nguyên nhân do:
Phôi đông lạnh cho tỷ lệ đậu thai cao hơn so với chuyển phôi tươi
Bệnh nhân có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe sau quá trình kích trứng và chọc hút trứng
Chủ động thời gian (dễ sắp xếp về kinh tế, công việc để hỗ trợ thai, sinh nở)
Kỹ thuật đông lạnh phôi trong Labo đã hoàn thiện nên tỷ lệ phôi sống sau rã đông rất cao ( > 90 %)…
Chính vì vậy xu hướng tại Đông Đô IVF Center là chuyển phôi đông lạnh và tập trung vào các phác đồ chuẩn bị niêm mạc và phôi cho chuyển phôi đông lạnh nhằm đạt được tỷ lệ có thai cao nhất và tỷ lệ đa thai ở mức độ thấp nhất. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về quy trình này trong bài viết dưới đây.
Quy trình chuyển phôi tại Đông Đô IVF Center :
1. Chuyển phôi tươi (ET- Embryo Transfer): Là kỹ thuật đưa phôi vào buồng tử cung ngay khi phôi được tạo ra.
Sau khi chọc trứng ra, noãn sẽ được thụ tinh với tinh trùng để tạo phôi, phôi có thể nuôi cấy đến ngày 3 (phôi phân cắt) hoặc ngày 5 (phôi nang) sẽ được thông báo cho bệnh nhân. Bác sĩ sẽ căn cứ vào số lượng noãn, số lượng và chất lượng phôi, độ dày và hình thái nội mạc tử cung, nội tiết, sức khỏe bệnh nhân để quyết định chuyển phôi tươi và số lượng phôi cần chuyển. Những phôi dư sẽ được đông lạnh để dùng cho lần chuyển phôi sau.
Sau chuyển phôi tươi, bệnh nhân sẽ được dung thuốc Progesterone hỗ trợ để tăng tỉ lệ đậu thai.
Theo thống kê, nếu các điều kiện tối ưu thì tỉ lệ có thai khi chuyển phôi tươi khoảng 40- 50%.
2. Chuyển phôi đông lạnh (FET- Frozen Embryo Transfer):
2.1 Chuẩn bị niêm mạc tử cung
Niêm mạc là nơi phôi sẽ vùi mình để làm tổ và phát triển thành bào thai, chính vì vậy chuẩn bị niêm mạc tối ưu là khâu rất quan trọng trong quy trình chuyển phôi.
Trước khi chuẩn bị niêm mạc, bệnh nhân đến khám vào ngày 2 của chu kỳ kinh, bác sĩ sẽ siêu âm để đánh giá lại tử cung và buồng trứng. Nếu siêu âm bình thường thì Estrogen được bắt đầu sử dụng vào ngày 2 chu kỳ kinh, sau đó hẹn khám lại vào ngày 10 của chu kỳ.
Thông thường bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống, nhiều trường hợp có thể chỉ định tiêm hoặc đặt âm đạo.
Tác dụng của Estrogen nhằm kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung, ức chế sự rụng trứng tự nhiên.
Tại ngày 10 chu kỳ kinh bác sĩ sẽ đánh giá lại độ dày và hình thái niêm mạc tử cung cũng như hai buồng trứng từ đó có thể điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp và hẹn ngày đến khám lại, thông thường là sau 3 -5 ngày.
2.2 Sử dụng Progesterone
Khi nội mạc tử cung đạt độ dày thích hợp (8-12mm) thì bắt đầu sử dụng Progesterone nhằm chuyển pha niêm mạc tạo điều kiện thích hợp cho sự làm tổ của phôi.
Progesterone được khuyên dùng đặt âm đạo vì sẽ có tác dụng trực tiếp đến tử cung.
Sử dụng Progesterone trước chuyển phôi 3-5 ngày tùy từng giai đoạn của phôi trữ.
2.3 Chuẩn bị phôi
Sau thời gian sử dụng Estrogen và Progesterone phụ nữ sẽ được kiểm tra xác định niêm mạc tử cung, tình trạng sức khỏe đã đủ điều kiện để chuyển phôi hay mang thai chưa. Trường hợp người phụ nữ có thể chuyển phôi trong chu kỳ này, bác sĩ sẽ tư vấn và thống nhất với chị em ngày chuyển phôi, chất lượng phôi, số lượng phôi chuyển đảm bảo tỷ lệ thành công cao nhất và hạn chế tối đa nguy cơ đa thai.
3. Chuyển phôi:
Chuyển phôi là công đoạn rất quan trọng, quyết định tỷ lệ thành công của cả quy trình. Tỉ lệ có thai phụ thuộc vào chất lượng phôi sau rã đông, chuyên viên load phôi và đặc biệt là kỹ thuật đặt phôi của Bác sỹ chuyển phôi.
Sau khi kiểm tra khớp chính xác thông tin giữa bệnh nhân và đĩa chứa phôi rã đông, phôi sẽ được chuyển vào buồng tử cung dưới màn hình siêu âm.
Sau chuyển phôi, bệnh nhân sinh hoạt, ăn uống bình thường, giữ tinh thần thoải mái và sử dụng đơn thuốc hỗ trợ nhằm tăng tỉ lệ đậu thai.
4. Kết quả:
Test Beta Hcg sau 12- 14 ngày tùy tuổi phôi, bác sĩ sẽ xét nghiệm mẫu máu để kiểm tra xem có thai hay không
Nếu mang thai, thai phụ sẽ tiếp tục khám thai và chăm sóc thai bình thường.
Nếu không mang thai, người phụ nữ sẽ ngừng dung progesterone và có thể có kinh trong vòng một tuần. Nếu không có kinh hoặc chảy máu bất thường thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ.
—