Không có tinh trùng là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng không thể có con ở nhiều cặp vợ chồng, trong đó có khoảng 70% nguyên nhân tại tinh hoàn (vô sinh không bế tắc), 30% do đường dẫn (vô sinh do bế tắc).
Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển không ngừng của y học, phương pháp chữa vô sinh bằng vi phẫu tinh hoàn hay gọi tên khoa học là microTESE đã ra đời và được chứng minh là phương pháp hiệu quả nhất trong điều trị vô sinh không bế tắc, thắp lên tia hy vọng mới cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
MicroTESE là gì?
Năm 1999, bác sĩ phẫu thuật tiết niệu- nam khoa Schlegel (người Mỹ) đã giới thiệu một kỹ thuật mới để tìm tinh trùng trong tinh hoàn với sự hỗ trợ của kính vi phẫu- microTESE đối với những người tinh hoàn bị hư, không sinh tinh. Dưới kính hiển vi, các ống sinh tinh của người nam sẽ được soi kỹ và tìm ra những ống tốt để lấy tinh trùng. Ưu điểm của nó là giúp bác sĩ phẫu thuật “bới móc” được tất cả các ngóc ngách của ống sinh tinh, tìm đến chỗ tận cùng mà con tinh trùng đang ẩn náu mà các phương pháp khác có thể không tìm thấy được.
Đây có thể được xem là một cuộc cách mạng trong việc điều tri vô sinh, hiếm muộn ở Nam giới khi mà chỉ không lâu sau đó, các bác sĩ trên khắp thế giới đã áp dụng cho những bệnh nhân vô tinh không bế tắc và đều ghi nhận hiệu quả điều trị cao của kỹ thuật mổ này.
Ở Việt Nam, các bác sỹ đã học hỏi và thực hiện thành công kỹ thuật này từ năm 2010.
Tinh trùng tìm kiếm được nhờ microTESE sẽ được làm gì?
Người chồng được mổ microTESE trước 1 ngày hay cùng ngày vợ được hút trứng. Tinh trùng sau khi tìm được bằng micro TESE được xử lý để tiêm vào bào tương noãn (ICSI) như tinh trùng bình thường. Nếu vợ chưa được kích trứng thì tinh trùng sẽ được trữ đông. Khi vợ được tiêm thuốc kích trứng thì tinh trùng sẽ được rã đông để làm thụ tinh nhưng quá trình đông – rã đông có thể làm hư hại một vài tinh trùng quý giá này.
Khoa học đã chứng minh, tỉ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm với các tinh trùng microTESE cũng tương đương tỉ lệ thành công với các trường hợp dùng tinh trùng trong tinh dịch.
Có 3 tình huống có thể xảy ra, nên bệnh nhân cần được tư vấn trước khi làm microTESE:
- Trường hợp 1: Đủ tinh trùng để ICSI
- Trường hợp 2: Có tinh trùng nhưng không đủ để ICSI, cần xin thêm tinh trùng ngân hàng hoặc đông trứng
- Trường hợp 3: Không có tinh trùng thì đương nhiên phải xin tinh trùng hoặc trữ trứng.
MicroTESE cũng có thể được thực hiện lần thứ 2, thứ 3 nếu mổ lần 1 thấy mô tinh hoàn tốt. Do đó, nếu tinh trùng trữ đông không đủ để làm thụ tinh thì bác sĩ có thể mổ microTESE lần nữa cho một số trường hợp.
Biến chứng có thể xảy ra
Đau tức tinh hoàn sau mổ và nhiễm trùng vết mổ bìu là hai biến chứng có thể gặp ngay sau mổ microTESE. Và về lâu dài, biến chứng teo tinh hoàn, giảm testosteron không xảy ra do microTESE chỉ lấy ra rất ít mô tinh hoàn nên không làm tinh hoàn bị mất nhiều mô, trong đó có các tế bào tiết ra testosteron.
Tiên lượng kết quả của microTESE:
Mỗi nhóm bệnh nhân có tiên lượng tìm tinh trùng khác nhau, tùy thuộc từng nguyên nhân, nội tiết, kích thước tinh hoàn…
- Fsh, LH, Testosteron, thể tích tinh hoàn không giúp tiên lượng có hay không có tinh trùng.
- Bệnh nhân teo tinh hoàn sau quai bị thành công gần 100%
- Mất đoạn AZFa, b: không PT, mất đoạn AZFc thành công 50-60%
- 47 XXY, 47XXY/46XY thành công 20-30 %
- SCO khoảng 20-30%
- Dừng sinh tinh nửa chừng 20%
- Tinh hoàn ẩn khoảng 30-40 %
- Lâm sàng vô tinh không bế tắc mà tinh hoàn to, nội tiết bình thường, không đột biến … khả năng tìm thấy tinh trùng vô cùng thấp.